Việc đình chỉ sẽ kéo dài 6 tháng, trong lúc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte “nghiên cứu, và khi hai bên tiếp tục giải quyết các lo ngại của tổng thống về một số khía cạnh của thỏa thuận”, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thông báo ngày 14/6, Reuters đưa tin.
Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa Mỹ và Philippines có hiệu lực từ năm 1999, đặt ra các quy định pháp lý cho phép hàng nghìn lính Mỹ luân phiên ra vào Philippines nhằm mục đích tập trận và luyện tập.
Năm 2020, ông Duterte đơn phương tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận vì bất bình trước việc một thượng nghị sĩ Philippines bị Mỹ từ chối cấp visa.
Tuy nhiên, quyết định hủy bỏ thỏa thuận lần lượt bị đình chỉ thực thi 2 lần. Nếu không có lần đình chỉ thứ 3 (vào ngày 14/6), thỏa thuận VFA sẽ kết thúc vào tháng 8 tới.
Lính Mỹ trong một buổi tập luyện đổ bộ hàng năm giữa Philippines và Mỹ vào năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Quyết định đình chỉ lần thứ 3 được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông leo thang. Manila nhiều lần phản đối sự hiện diện “trái phép” của hàng trăm “dân quân biển” Trung Quốc trong khu vực.
Việc "treo" quyết định hủy thỏa thuận cũng được thông báo sau khi Mỹ cho biết Philippines nằm trong số các nước sẽ được nhận một phần trong số 80 triệu liều vaccine Covid-19 mà Washington chia sẻ với thế giới đợt đầu.
Quan hệ giữa Mỹ và Philippines trở nên phức tạp sau khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016. Tổng thống Philippines thường chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ và sát lại gần với Trung Quốc.
Jose Manuel Romualdez, Đại sứ Philippines tại Mỹ, hôm 3/6 trả lời Reuters cho biết thỏa thuận phòng thủ 20 năm tuổi giữa hai nước đã được điều chỉnh để có những điều khoản “chấp nhận được” và “cùng có lợi” cho đôi bên.
Trước đó, Manila bày tỏ thái độ không bằng lòng về một số điều khoản của VFA, khiến họ không có quyền quyết định đối với công dân Mỹ bị kết tội ở Philippines, cũng như không thể đòi thiệt hại môi trường gây ra từ những lần tập trận trên biển.