Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết ông đã gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) ở Mông Cổ hồi tuần qua.
Trong dịp này, "Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị chúng tôi hãy mở lòng để đàm phán song phương, nhưng trên cơ sở không thảo luận về phán quyết của tòa án quốc tế về vụ kiện. Tôi đã nói với ông ấy rằng điều này không phù hợp với hiến pháp và lợi ích quốc gia của chúng tôi", Ngoại trưởng Yasay trả lời đài ABS-CBN.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Ảnh: Reuters |
Ông Yasay cho biết ưu tiên đầu tiên của Philippines là đàm phán để giành lại quyền cho ngư dân nước này trở lại đánh bắt ở bãi cạn Scarborough. Kế đến, việc thực thi các nội dung trong phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ được tiến hành từng điều một.
Đến nay, Hải cảnh Trung Quốc vẫn chưa cho phép ngư dân Philippines vào bãi cạn Scarborough dù PCA tuyên bố hoạt động cản trở của Bắc Kinh ở đây là phi pháp.
Dịch vụ Google Maps cũng đã bỏ tên Trung Quốc ở bãi cạn tranh chấp với Philippines, bắt đầu gọi theo tên quốc tế là Scarborough. Trung Quốc gọi nó là Hoàng Nham.
Vị trí bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Đồ họa: Wikipedia |
Động thái của Google khiến người dân Philippines phát động một chiến dịch trên mạng để yêu cầu tập đoàn chấm dứt việc xác định Scarborough là một phần lãnh thổ Trung Quốc.
Scarborough nằm cách đảo Luzon của Philippines khoảng 220 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 650 km. Trung Quốc kiểm soát bãi cạn từ năm 2012, sau một cuộc chạm trán ngắn ngủi với binh sĩ Philippines.
Bãi cạn là một đối tượng trong đơn kiện về đường lưỡi bò Trung Quốc do Bắc Kinh tự áp đặt trên Biển Đông mà Philippines trình lên PCA.
Từ thời điểm đó tới nay, Philippines thường xuyên cáo buộc hải cảnh Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines tại bãi cạn - bao gồm việc cướp cá của ngư dân trong năm 2016.
Ngày 12/7, PCA ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý. Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông.
“Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”, phán quyết của toà cho hay.
Toà khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ "thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh".