Cảnh báo trên được xây dựng dựa trên tổng hợp thông tin tình báo từ các quốc gia thành viên về các tổ chức khủng bố, như IS và Al-Qaeda, Guardian hôm 5/2 đưa tin.
"Khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ ở nhiều nơi, một làn sóng tấn công rầm rộ được lên kế hoạch có thể xảy ra", báo cáo của Liên Hợp Quốc nhận định.
Báo cáo cho biết các biện pháp phong tỏa chống dịch bệnh khiến nhiều người bị hạn chế di chuyển, phải dành nhiều thời gian hơn ở trong nhà và sử dụng Internet.
Một chiến binh IS ở Mali. Ảnh: AFP. |
"IS thích điều này. Các mối đe dọa sẽ lớn dần trong thời gian này. Chúng có thể chưa bị phát hiện, nhưng sẽ bộc lộ khi thời cơ đến", báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.
Mới đây nhất, 10 binh sĩ Mali bị sát hại khi IS tấn công một doanh trại ở Mopti hồi đầu tuần.
Trước đó, IS cũng nhận trách nhiệm vụ đánh bom kép ở thủ đô Baghdad của Iraq vào ngày 21/1, khiến 32 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Theo một thông tin tình báo, người phát ngôn của IS Abu Hamza al-Qurashi hồi tháng 10/2020 phát đi chỉ thị cho các phần tử ủng hộ rằng "hãy giảm thời gian sử dụng mạng xã hội và dành nhiều công sức hơn cho các âm mưu tấn công với tác động lớn, vượt ngục, hay những hoạt động tác chiến khác".
Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc tin rằng đại dịch Covid-19 giúp các phần tử Hồi giáo cực đoan cản trở khả năng kiểm soát của các chính quyền ở những nơi mà phiến quân bén rễ.
"Đại dịch làm suy yếu năng lực của các chính phủ ở những khu vực có xung đột, gây ra tác động lâu dài tới nền kinh tế, nguồn lực của chính phủ và hợp tác quốc tế, có nguy cơ làm trầm trọng thêm mối đe dọa (từ các tổ chức khủng bố)", báo cáo cho biết.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, các tổ chức khủng bố tiếp tục tuyên truyền đại dịch Covid-19 là "sự trừng phạt của thánh thần với thói kiêu ngạo và vô thần", đồng thời kêu gọi tấn công kẻ thù khi khả năng chống khủng bố đã suy yếu.
Hồi tháng 3/2020, IS từng có ý tưởng vũ khí hóa virus corona, bằng cách sử dụng chiến binh mắc Covid-19 để phát tán virus. Tuy nhiên, ý tưởng này không được triển khai trên thực tế.