Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phía sau tình yêu đôi khi là những lời dối trá

Đôi khi con người phải đi tìm sự an ủi trong những lời nói dối. Dường như hiện thực là một bức tranh ảm đạm mà ta chẳng thể đối diện.

Bernhard Schlink hiện là một ngôi sao sáng trên văn đàn Đức đương đại. Ông ra mắt tiểu thuyết đầu tiên khi đã ngoài năm mươi. Đó là sự khởi đầu khá muộn đối với một nhà văn. Nhưng ngay từ giây phút Người đọc xuất hiện, nó đã khiến cho độc giả phải choáng váng. Bằng thứ ngôn ngữ lớp lang, rành mạch nhưng không kém phần sắc lạnh Bernhard Schlink đã đi sâu vào khai phá những góc tối tăm của tâm hồn con người để phát hiện những bình diện mới của sự nhân văn.

Sau một vài tiểu thuyết được đánh giá cao như: Người đọc và Người đàn bà trên cầu thang, độc giả cũng như giới phê bình gọi coi Bernhard Schlink là một tiểu thuyết gia. Nhưng một con người tài năng và linh hoạt như ông, không bao giờ chịu trói buộc bản thân trong một thể loại nhất định. Bernhard Schlink cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay với nhan đề đầy lãng mạn: Những cuộc chạy trốn tình yêu. Dưới cái nhìn từng trải của một vị thẩm phán, liệu tình yêu mang hình hài ra sao?

Mùa hè dối trá là tập truyện ngắn tiếp theo của Bernhard Schlink. Tình yêu vẫn là chủ đề chính trong các sáng tác của nhà văn người Đức. Bernhard Schlink không mang đến cho bạn đọc những cuộc tình cuồng nhiệt và đầy say mê như cách mà các nhà văn trẻ vẫn làm. Tình yêu trong văn của ông mang một nhịp điệu chậm rãi và giàu suy tưởng. Với ông, ái tình chính là tấm gương để chúng ta soi lại chính mình.

Sự dối trá lẩn khuất dưới đôi cánh của thần tình yêu

Người ta luôn rỉ tai nhau rằng: “Sự dối trá là liều thuốc độc giết chết ái tình”. Thế nhưng, chẳng mấy kẻ đủ can đảm để khẳng định rằng mình luôn thành thật trong tình yêu. Là con người ai chẳng có bí mật, hay một góc khuất nào đó không thể để cho kẻ khác tùy tiện đào bới. Vì lẽ đó, lời nói dối mới xuất hiện dưới cánh cung của thần tình ái. Người ta nói dối bạn đời, nói dối người tình, và nói dối cả chính mình.

Tai sao khi yeu con nguoi lai muon tin vao nhung loi noi doi? anh 1
Tập truyện ngắn Mùa hè dối trá đã được giới thiệu tại Hà Nội trong khuôn khổ "Những ngày văn học châu Âu" năm nay.

Cuối mùa nghỉ là một truyện ngắn mang âm hưởng khá nhẹ nhàng, xoay quanh hai nhân vật chính là Richard và Susan. Họ gặp nhau ở một vùng biển vắng vào cuối kỳ nghỉ. Cả hai đều đi một mình và đang thấy cô đơn. Sự rung động nảy nở như câu chuyện tự nhiên giữa đàn ông và đàn bà. Richard bị nét đằm thắm cùng sự táo bạo rất đàn bà của Susan quyến rũ. Nhưng tình cảm ấy liệu có lâu bền khi cô và anh ở hai thế giới khác nhau.

Richard là một anh chàng nhạc công nghèo, còn Susan là một nữ thừa kế. Cô có công ty riêng, có khách sạn và căn hộ cao cấp còn anh chỉ có cây đàn. Giữa họ có một điểm chung duy nhất là tuổi thơ nhiều mất mát. Cả hai chia sẻ những câu chuyện cũ, những thứ tưởng chừng đã lùi vào quên lãng và Richard cho rằng đó là tình yêu. Kết thúc kì nghỉ, khi cả hai quay về với cuộc sống thường nhật, anh chàng nhạc công nghèo bắt đầu tỉnh mộng…

Chúng ta nên làm gì để chuẩn bị cho một cái chết hoàn hảo? Đó là điều mà Thomas nhân vật chính của Mùa hè cuối cùng đang trăn trở. Từ rất lâu, ông đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Một ngày kia, nếu khối ung nhọt ấy vỡ ra, ông sẽ chết. Vị giáo sư khả kính muốn được nhìn ngắm nụ cười của những người thân yêu trước khi rời xa thế giới này. Thế nên, ông sắp xếp một kì nghỉ để hai vợ chồng được gặp gỡ toàn thể con cháu. Sau đó, Thomas sẽ ra đi một cách lặng lẽ, như thể đang chìm trong giấc ngủ sâu.

Tai sao khi yeu con nguoi lai muon tin vao nhung loi noi doi? anh 2
Nhà văn người Đức Bernhard Schlink.

Những ngày hè đáng quý ấy làm ông nhận ra nhiều điều. Hơn nữa cuộc đời Thomas đã sống quá vội. Ông chỉ biết đến nghiên cứu, luận án và việc giảng dạy. Thomas luôn làm tốt công việc của một giáo sư, sau đó mới đến nghĩa vụ của một người chồng. Ông để mặc vợ chăm sóc các con và cho rằng: nếu ông không ngoại tình thì chẳng có lỗi lầm nào trong cuộc hôn nhân ấy cả.

Vị giáo sư bắt đầu học lại cách yêu thương như một người chồng đúng nghĩa. Và ông thấy cuộc sống thật tuyệt, dường như ông đã tìm được hạnh phúc. Tiếc thay, tia nắng lại tắt ở cuối đường hầm. Khi vợ ông biết được sự thật về kế hoạch ông đã chuẩn cho cái chết của mình, bà gần như phát điên. Con cái của vị giáo sư cũng bỏ mặc người cha tội nghiệp. Hạnh phúc lại rời bỏ Thomas nhanh như một cơn gió mùa hè.

Bernhard Schlink và những thông điệp đằng sau lời nói dối

Những nhân vật là người già xuất hiện khá nhiều trong Mùa hè dối trá. Ngoài Thomas, ông già muốn tìm đến cái chết “viên mãn” còn có Nina bà lão ngoài tám mươi  với cuộc hành trình đi xuống miền nam để gặp lại tình đầu. Trong quá trình theo đuổi những mục đích rất riêng tư ấy, họ nhận ra mình đã sống trong dối trá quá lâu, nói dối bạn đời, nói dối người tình và dối trá với cả chính mình.

Khi thực tại làm người ta chán nản, họ tìm đến những lời nói dối để ve vuốt bản thân. Người Đức có một câu ngạn ngữ rất hay, đại ý rằng: Dưới tầng hầm nhà ai cũng có vài cái xác. Con người luôn có những bí mật muốn che đậy trước kẻ khác, dẫu đó là người thân. Đó là nguyên nhân để những lời nói dối xuất hiện trên đời. Nhưng để có được tình yêu, hãy học cách đối thoại và sẻ chia, dù cho điều đó khó khăn đến nhường nào.

Tai sao khi yeu con nguoi lai muon tin vao nhung loi noi doi? anh 3
Các tác phẩm của Bernhard Schlink luôn thu hút các nhà làm phim. Một cảnh trong phim Tình địch được chuyển thể từ truyện ngắn Người khác của nhà văn Đức. 

Dịch giả Lê Quang, người chuyển ngữ Mùa hè dối trá tâm sự: dịch các tác phẩm của Bernhard Schlink không phải là điều đơn giản. Bởi đằng sau các nhân vật, cốt truyện và tình huống còn là những câu chuyện về văn hóa.

Không phải ngẫu nhiên, mà những truyện ngắn trong cuốn sách này đều được đặt trong khung cảnh mùa hè, đó là một dụng ý rất thông minh của tác giả.

Ở các nước Tây Âu như Đức, mùa hè rất ngắn ngủi, những ngày hạ rực nắng chỉ tồn tại trong khoảng một tháng. Những lời nói dối cũng vậy, chúng thường hay “chết yểu”. Bởi thế, người Đức mới có câu ngạn ngữ: “Lời nói dối là một kẻ có đôi chân rất ngắn”. Khi chuyển ngữ một tác phẩm văn học, câu từ chưa hẳn đã là điều khiến các dịch giả băn khoăn. Thứ khiến họ đắn đo hơn cả là những ý niệm tồn tại giữa hai dòng chữ.



Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm