Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái Việt từ bỏ công việc ổn định để trải nghiệm miền đất thiêng

“Tôi thà làm cánh chim hoang dã nhưng tự do còn hơn một con sơn ca bị nhốt trong lồng gỗ quý", Hasu Trần viết về lựa chọn của mình trong cuốn "Mumbai và những chuyến tàu đêm".

Ai trong chúng ta cũng có một khoảng thời gian đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời - giai đoạn mà ngày nhỏ ta coi là “lúc trưởng thành”, còn tuổi trung niên lại hay gọi “hồi còn trẻ”. Chúng ta cân nhắc, đắn đo trước một “ma trận” những lựa chọn: chọn mục tiêu để phấn đấu, chọn ngành nghề để học, chọn người để yêu và chọn con đường để theo đuổi ước mơ...

Có người hạnh phúc trên con đường trải hoa hồng với những tính toán, sắp đặt lý tưởng của gia đình, người lại một mực “điên rồ” khước từ mọi lợi thế sẵn có để được bắt đầu từ vạch xuất phát, sẵn sàng chấp nhận những sai lầm, thất bại, mất mát đầu đời để được phiêu lưu.

Chuyen co gai vuot vung an toan de kham pha An Do anh 1
Sách Mumbai và những chuyến tàu đêm là câu chuyện của cô gái từ bỏ cuộc sống ổn định đề khám phá nhiều vùng đất.

Chúng ta không có đúng - sai, chỉ có những lựa chọn khác nhau đưa đến những sắc màu tương lai khác nhau mà thôi. Những tính toán an toàn, gần như đoán trước kết quả thường không phải lựa chọn của những thanh niên ham xê dịch, thích dấn thân và sẵn máu phiêu lưu, đôi khi là cả sự liều lĩnh.

Nói về những lựa chọn an toàn, trong cuốn Mumbai và những chuyến tàu đêm - nhật ký thực tập sinh của Hasu Tran, cô gái trẻ người Việt - từng viết: “Life begins at the end of your comfort zone” (Cuộc sống bắt đầu ở ranh giới vùng an toàn của bạn). Trong đó, vùng an toàn được hiểu là “một nơi thoải mái và đẹp nhưng ở đó chẳng có gì sinh sôi nảy nở hết. Tôi có biết vài người, họ không dám thoát khỏi vùng an toàn của mình vì… sợ. Họ sợ phải bắt đầu lại, sợ bỡ ngỡ, sợ thiết lập những mối quan hệ mới, sợ phải thích nghi với môi trường sống mới”.

Chuyen co gai vuot vung an toan de kham pha An Do anh 2
Hasu Tran "nghiện" cảm giác được trải nghiệm những vùng đất mới.

Còn với cô sinh viên thực tập Hasu Tran: “Tôi thà làm cánh chim hoang dã nhưng tự do còn hơn một con sơn ca bị nhốt trong lồng gỗ quý. Tôi thà sống một kiếp người phiêu bạt nhưng hạnh phúc còn hơn sống đời ở một chỗ bám rong rêu”.

Đó cũng là lý do cô quyết từ bỏ một công việc được cho là ổn định trong nước, vừa kiếm sống bằng những việc làm thêm với đồng lương ít ỏi, vừa dành thời gian tham gia đủ các hoạt động để theo đuổi bằng được giấc mơ chinh phục các dự án mang tầm quốc tế.

Và kể từ khi cô trúng tuyển làm thực tập sinh cho một công ty tại Ấn Độ, tuổi trẻ của Hasu Tran trải dài theo những chuyến tàu đêm dọc ngang khắp các miền nước Ấn. Cô “nghiện” cảm giác được trải nghiệm những vùng đất mới và khám phá những màu sắc văn hóa phức tạp của Ấn Độ đến nỗi bao nhiêu tiền kiếm được cũng chỉ để dành cho những chuyến đi.

Cô “nghiện” đến mức liều lĩnh đòi đi một mình trước sự ngăn cản quyết liệt của tất cả bạn bè, đồng nghiệp và bố mẹ nuôi người Ấn. Những lời cảnh báo, thậm chí đe dọa về vùng đất âm u với xác chết tế thần, hay nạn trộm cướp, quấy rối ở những con đường chỉ toàn đàn ông qua lại cùng ánh nhìn như ăn tươi nuốt sống…, tất cả đều chẳng thể làm chùn bước cô gái 24 tuổi người Việt ngang bướng mang biệt danh “crazy women”.

Chuyen co gai vuot vung an toan de kham pha An Do anh 3
Cuốn sách như tấm bản đồ chỉ dẫn tới vùng đất Mumbai.

Và một trong những lần cứng đầu đó là khi cô kiên quyết mượn sơn và chổi để vẽ bằng được lá cờ Việt Nam lên một bức tường chi chít cờ của các quốc gia khác. Kể từ đó về sau, ta có thể tin rằng, bất cứ người Việt nào có dịp phiêu lưu đến nước Ấn, tới Rishikesh - thành phố được coi là thủ phủ của Yoga bên dòng sông Hằng yên bình đều sẽ bắt gặp ngay bức tường sặc sỡ của quán café ấy.

Dừng chân kiếm tìm một phút, nhất định người ta sẽ nhận ra một góc sắc vàng nền đỏ rực rỡ của mình mà reo vang hạnh phúc, y như niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào của Hasu Tran khi được là người Việt đầu tiên bổ sung hình hài Tổ quốc của mình trên đó.

Không đơn giản là cuốn nhật ký ghi lại hành trình, Mumbai và những chuyến tàu đêm có thể gọi là cuốn cẩm nang về Ấn Độ với các địa danh du lịch chi tiết nhất, sống động nhất mà tôi từng đọc. Văn phong trong sáng, không quá cầu kỳ câu chữ với lối diễn đạt rất đơn giản, tự nhiên khiến những ký ức càng thêm chân thực, gần gũi và rất dễ tiếp nhận. Đó là cuốn nhật ký không chỉ viết cho mình để ghi dấu kỷ niệm hay giải tỏa nỗi buồn.

Ngay từ khi đặt bút, tác giả đã viết một cách có tâm nhất khi cố gắng lục lọi trí nhớ để ghi lại chính xác tất cả những gì cụ thể: từ số hạt gạo được đếm trong một lễ cúng thần linh đến số lễ vật dâng cúng đối với từng tôn giáo khác nhau. Nhờ vậy mà bất cứ ai yêu thích tìm hiểu nền văn hóa Ấn Độ khi đọc xong đều có thể mường tượng được nền văn hóa phát triển rực rỡ.

Còn với những ai ấp ủ giấc mơ về chuyến hành trình xuyên ngày tháng ở miền đất thiêng thì Mumbai và những chuyến tàu đêm xứng đáng là một tấm bản đồ sinh động kiêm hướng dẫn viên trung thực nhất, tỉ mỉ nhất dẫn lối đến vô vàn điều kỳ thú nơi đây.




Tú Anh

Bạn có thể quan tâm