Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là di sản văn hóa, lịch sử của Paris, nó đi vào các tác phẩm văn chương, kịch nghệ, điện ảnh, hội họa... Để rồi những tác phẩm ấy thiết lập Nhà thờ Đức Bà như một biểu tượng nghệ thuật. Bàng hoàng trước tin một phần Nhà thờ bị cháy đổ, nhiều tác giả sách, văn nghệ sĩ bày tỏ sự tiếc nuối.
Hỏa hoạn lớn tại Nhà thờ Đức Bà Paris hôm 15/4 khiến nhiều người đau xót. Ảnh: AFP. |
Nhà báo, nhà văn Trương Anh Ngọc viết: “Tim nhói đau khi đọc tin Nhà thờ Đức Bà Paris cháy đêm qua, tháp mũi tên và một phần mái đã sập trong ngọn lửa điêu tàn”.
Tác giả cuốn Hẹn hò với Paris kể: “…đã bao lần đến Paris đều đặt chân đến đây, rảo bước bên bờ sông Seine, đứng tư lự trên những cây cầu và ngắm nhà thờ cùng với những hàng hàng lớp lớp mái nhà của trung tâm thành phố từ xa, và chụp những tấm ảnh để lưu làm kỷ niệm. Không phải những tấm ảnh có mặt mình trong đó như cách người ta vẫn làm, để khẳng định đúng là mình đã đến đó, mà đơn giản là để lưu lại những cảm xúc của bản thân mình lúc đó. Với mình, nơi ấy gắn với nhiều kỷ niệm Paris hơn là tháp Eiffel”.
Trong cuốn Hẹn hò với Paris xuất bản năm 2018, Trương Anh Ngọc viết những dòng lãng mạn: "Mới rồi, khi trở lại Paris cho một chuyến đi ngắn, tôi đã tới bên sông Seine và làm một điều tôi từng muốn làm từ lâu. Ngồi trên một con đường lát đá chạy dọc con sông, đoạn gần Nhà thờ Đức Bà, nhắm mắt lại, tôi bật một đoạn băng đã từng nghe trong những năm quá khứ. Bên tai vang lên tiếng hát của Yves Montand, bản Sous le ciel de Paris (Dưới bầu trời Paris): 'Hàng nghìn người/Dưới bầu trời Paris/Sẽ hát đến tối/Bản hòa ca tình yêu/Với khu phố cổ'".
Ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris do nhà văn, nhà báo Trương Anh Ngọc chụp. |
Nhà thờ Đức Bà Paris thêm nổi tiếng toàn thế giới còn bởi tác phẩm bất hủ của Victor Hugo, tác phẩm được biết tới tại Việt Nam với tên Thằng gù Nhà thờ Đức Bà. Trước hỏa hoạn, nhiều văn nghệ sĩ mượn hình ảnh trong tác phẩm của Hugo để nói lên cảm xúc của mình.
Nhà thơ Nguyễn Anh Vũ viết: “Không biết thằng gù có kịp đưa nàng Esmeralda và mấy quả chuông ra ngoài không?! Nhà thờ Đức bà Paris đang cháy!”. Nhà văn Lê Minh Hà thốt lên: “Ôi, Paris, xót xa quá! Biểu tượng kỳ vĩ đó của nước Pháp. Bàng hoàng”.
Ngọc Nick M - tác giả cuốn du ký Ba lô trên thảm đỏ - nhớ kỷ niệm lần đầu đặt chân tới Paris trong buổi thu se lạnh: Không bao giờ quên được cái buổi chiều hôm ấy, khi đi dọc sông Seine, nhìn ngắm những công trình kiến trúc vĩ đại, đứng trước Notre Dame và nhớ về câu chuyện Thằng gù nhà thờ Đức Bà.
Tác giả cuốn sách về thế hệ sinh năm 1988 bày tỏ cảm xúc: "Hôm nay nhìn những hình ảnh Notre Dame chìm trong khói lửa mà cảm thấy đau lòng. Đỉnh tháp đã thành tro bụi. Biểu tượng hơn 700 năm với đỉnh tháp vươn tới trời xanh đầy kiêu hãnh như thể hiện sự trường tồn đã cháy chỉ trong phút chốc. Phải chăng cuộc hội hè rồi cũng có lúc tàn?”.
Tranh Mùa mưa ở Nhà thờ Đức Bà của họa sĩ Hùng Rô. |
Dịch giả Trần Minh - người chấp bút cho một số cuốn sách, tác phẩm dịch - nhận định Nhà thờ Đức Bà Paris là một biểu tượng văn hóa, có ý nghĩa quan trọng trong tâm thức người Việt. Đó không chỉ là tiểu thuyết của Victor Hugo, không chỉ là nhạc kịch, mà Nhà thờ Paris còn là biểu tượng của sự lãng mạn thấm đẫm vào thơ ca, âm nhạc tiền chiến.
Anh dẫn chứng về chủ nghĩa lãng mạn Pháp bằng ca từ của Ngô Thụy Miên, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa. Vì vậy, Trần Minh nhận định: “Ngọn lửa ở Paris đâu chỉ thiêu rụi một nhà thờ, nó thiêu rụi một phần lãng mạn trong mỗi con người có ít nhiều dính líu tới nó”.
Thông qua vụ hỏa hoạn rúng động, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên nói về ý thức bảo vệ di sản. Anh viết: “Ngọn tháp cao vút của kiến trúc gothic đã vững vàng hơn 700 năm tuổi đời phút chốc đổ xuống trước mắt chúng ta. Chúng ta mất ngủ vì một di sản tinh thần có nguy cơ biến mất khỏi thế giới mình đang sống”. Tác giả Đà Lạt bên dưới sương mù đưa lời cảnh tỉnh, chúng ta nên khóc thương cho cả di sản, văn hóa, lịch sử của nước mình.