Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện tình kiêng kị vượt đạo lý thông thường trong 'Người đọc'

Tắm - làm tình - đọc sách trở thành “nghi thức” trong một thời gian giữa cậu trai 15 tuổi Michael và Schmitz, người phụ nữ 36 tuổi làm nghề soát vé tàu điện.

Mọi chuyện diễn ra hết sức tình cờ. Michael Berg bị bệnh viêm gan, rất mệt nhọc mỗi khi bước ra khỏi giường cũng như đến trường. Sau một cơn nôn thốc trên đường đi học về, cậu được một người phụ nữ lạ tên Hanna Schmitz dẫn về nhà và chăm sóc. Dù hành động của Schmitz có phần thô bạo nhưng cậu trai 15 tuổi lúc ấy đã đem lòng cảm kích.

Chuyen tinh vuot dao ly cua "Nguoi doc" anh 1
Tiểu thuyết Người đọc

Michael quyết định đến gặp người phụ nữ đã chăm sóc mình để nói lời cảm ơn. Và chuyện tình cờ thứ hai xảy ra, cậu nhìn thấy Schmitz đang đi vớ và bị hấp dẫn gần như ngay lập tức bởi cơ thể của cô. Michael muốn làm tình với Schmitz. Schmitz muốn được Michael đọc sách cho cô nghe (vì cô không biết chữ). Cuộc “ngã giá” diễn ra nhanh chóng và cũng kể từ đó, tắm - làm tình - đọc sách trở thành một bí mật, là “nghi thức” giữa hai người.

Đối với cậu trai 15 tuổi Michael, cậu thú nhận đó không chỉ là chuyện xác thịt. “Đêm hôm sau thì tôi yêu cô say đắm. Tôi ngủ không sâu, ước ao gặp cô, mơ đến cô, tưởng như chạm vào cô, cho đến khi nhận ra là tôi đang ôm vào gối hay chăn”, và để khẳng định cho tình yêu đó, Michael giao kèo với bản thân: “Tôi không bao giờ tự làm thoả mãn nữa. Tôi muốn cùng cô”.

Những ngày tháng ở bên nhau, cuộc đời của Michael và Schmitz đều trở nên hạnh phúc, hoặc chí ít ra, cả hai đều vui vẻ. Họ hẹn hò, dã ngoại, giận dỗi, ghen tuông… tắm, làm tình, đọc sách cùng nhau. Michael dần chín chắn và trưởng thành, tìm cách cư xử như một người đàn ông thực thụ. Trong khi đó, Schmitz cũng dần vượt ra những khuôn khổ hay quy tắc đạo đức thông thường, để vui vẻ cùng Michael.

Chuyen tinh vuot dao ly cua "Nguoi doc" anh 2
Hai nhân vật chính trong phim The Reader.

Tuy nhiên, chuyện tình kiêng kị giữa Michael và Schmitz chỉ là phần đầu tiên của tiểu thuyết Người đọc. Tác giả Bernhard Schlink không đơn giản kể về mối tình vượt đạo lý thông thường, giữa hai thế hệ mà còn là hai vị-thế-người trong xã hội Đức đặt trong bối cảnh trước, trong và sau Thế chiến 2. Cũng chính vì điều này, tác phẩm của Schlink vừa khác biệt lại vừa nhân bản.

Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra và kết thúc, lịch sử nhân loại thay đổi. Hai con người bé nhỏ như Michael và Schmitz cũng vì thế mà đổi thay. Giờ đây, họ không còn là một cặp mà ở hai vị trí khác nhau. Schmitz là bị cáo vì làm việc trong trại tập trung; người còn lại, Michael là “quan toà”. Thực chất Michael là luật sư tập sự nhưng chính cậu đã phải tự mở ra toà án lương tâm cho chính mình, giữa bảo vệ hay im lặng, giúp đỡ hay không trong trường hợp đối với người tình cũ.

Thay vì cái nhớp nháp của những buổi trưa nóng rực, thay vì những dòng nước mát khi cả hai cùng tắm táp… là cái sự ngột ngào của phiên toà, nơi Schmitz bị kết án; sự mệt mỏi và tù túng khi cô không kháng cự mà buông xuôi theo bản án mà toà đã tuyên, dù đúng hay sai.

Michael vẫn đều đặn thu âm những cuốn sách vào băng và gửi vào tù mà không hề hay biết rằng, Schmitz dựa vào những cuốn băng đó và sách trong thư viện đã tự học chữ. Có lẽ, sự tự do của Schmitz chính là thoát khỏi cảnh mù chữ? Sự tự do còn là việc bà đã dần tha thứ cho bản thân sau những tội ác do chính mình gây ra? Hoặc có lẽ là cả hai.

Chuyen tinh vuot dao ly cua "Nguoi doc" anh 3
Tác giả Bernhard Schlink.

Tác giả Bernhard Schlink đã kể lại câu chuyện Người đọc ở ngôi thứ nhất, nhân vật chính (Michael) xưng tôi. Chính điều này khiến cho không ít độc giả (đặc biệt là tại Đức) tự đặt câu hỏi: Có bao nhiêu phần trăm tự thuật trong câu chuyện này?! Nhưng cũng nhờ cách “chọn vai” người kể chuyện này, mối tình kiêng kị giữa Michael và Schmitz phần nào được xoá nhoà đi các yếu tố gây phản cảm hay thô tục.

Sự lồng ghép câu chuyện tình đầy kiêng kị mang tính cá nhân, nhân bản cũng như đề tài chết chóc trong trại tập trung thời Quốc xã đã khiến không ít người băn khoăn, nghi ngại. Tuy nhiên, ngay từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1995, Người đọc của Bernhard Schlink nhanh chóng được độc giả đón nhận. Tiểu thuyết này thực sự là một tác phẩm lớn, không chỉ được chứng minh với con số hơn 7 triệu bản đã bán ra trên thế giới; được đưa vào chương trình dạy văn ở trường phổ thông tại Đức mà ở những giá trị văn chương và lịch sử mà nó để lại.

Tiểu thuyết Người đọc của Bernhard Schlink được giới thiệu lần đầu tiên đến độc giả Việt Nam vào năm 2009 qua bản dịch của dịch giả Lê Quang. Cùng năm đó, cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên với sự tham gia của nữ diễn viên tài năng Kate Winslet trong vai Hanna Schmitz ra mắt càng khiến khán giả càng ấn tượng về câu chuyện này. Bên cạnh tiểu thuyết Người đọc, các tác phẩm khác của Bernhard Schlink đã chuyển ngữ sang tiếng Việt và được yêu mến không kém như Người đàn bà trên cầu thang, Những cuộc chạy trốn tình yêu, Mùa hè dối trá.

'Người đọc': Những nghiệt ngã sâu kín

Tác phẩm chất chứa đầy những tự sự phức tạp, sâu kín và nghiệt ngã của nội tâm mỗi con người trong quá khứ, gắn liền với lịch sử đầy góc tối của nước Đức.


Nhã Linh

Bạn có thể quan tâm