Đã hơn 70 năm sau Thế chiến thứ hai nhưng nỗi ám ảnh về sự tàn khốc của nó vẫn luôn hiện hữu. Các bên tham chiến đều chịu tổn thất nặng nề: 60 triệu người chết trong đó hơn một nửa là dân thường, cách thành phố lớn trên khắp châu Âu bị phá hủy và hai thành phố của Nhật bị bom nguyên tử xóa sổ. Quân Đức quốc xã đã hành quyết hơn sáu triệu người Do Thái và Ba Lan mất hơn 20% dân số.
Những cuốn sách về phát xít ngày càng đầy lên trong tủ sách chúng ta: Kinh cầu cho đứa trẻ không ra đời, Không số phận, Chú bé mang Pyjama sọc, Nhật ký Anne Frank… Nhưng còn rất nhiều những câu chuyện, chương trình tàn độc khác mà có thể không nhiều người biết đến, cũng như không thể đo đếm được những chấn động do nó gây ra.
Tội ác của Đức quốc xã
Cây vĩ cầm Ave Maria (Kagawa Yoshiko) và Max - Bi kịch của chủng tộc thượng đẳng (tác giả Sarah-Scali) là hai cuốn sách mới phát hành tại Việt Nam đề cập đến những bí mật do chủ nghĩa quốc xã thực hiện và số phận của trẻ em trong thời chiến dưới bàn tay của đế chế.
Hai cuốn tiểu thuyết Max và Cây vĩ cầm Ave Maria. |
Cây vĩ cầm Ave Maria là tác phẩm hư cấu nhưng dựa trên những sự kiện có thật. Để viết sách, nhà văn đã tham khảo nhiều tư liệu, hồi ký. Truyện kể về Hannah Janssen - thiếu nữ 14 tuổi người Do Thái là một thiên tài âm nhạc. Khi đang ẩn nấp dưới tầng hầm của một gia đình người Đức, cả gia đình Hannah đã bị vây bắt và đưa đến trại tập trung Auschwitz. Hannah tình cờ đeo cây đàn violin trên vai nên thoát khỏi bị thảm sát, và trở thành một thành viên của dàn nhạc trại tập trung.
Yêu âm nhạc bằng một tình cảm thánh thiện và trong sáng nhưng Hannah buộc phải diễn tấu trước cái chết của đồng bào mình, dùng âm nhạc để che lấp đi tội ác diệt chủng trong những phòng hơi ngạt, giàn hỏa thiêu. Dù sống sót và được giải cứu sau chiến tranh nhưng Hannah đã không thể thoát khỏi những ám ảnh kinh hoàng trong quá khứ…
Ở bên kia chiến tuyến là Max trong cuốn Max - Bi kịch của Chủng tộc thượng đẳng. Max là một cậu bé được mệnh danh “bản mẫu hoàn hảo” - đứa trẻ đầu tiên sinh ra từ chương trình Lebensborn. Max chào đời vào ngày 20/4/1936, trùng ngày sinh với Adolf Hitler.
Ở dự án Lebensborn, những phụ nữ hội đủ các tiêu chuẩn bị tuyển chọn rồi quan hệ với lính SS để tạo ra hàng nghìn đứa trẻ "thượng đẳng" thuần Đức. Bên cạnh đó là những đứa trẻ bị bắt cóc, chiếm dụng từ các quốc gia khác đưa vào chương trình. Những đứa trẻ không có tuổi thơ, không có tình yêu thương, được nuôi dạy bằng sự thù hận, bằng kỷ luật “bẻ gẫy mọi ý chí” để trở nên “máu lạnh”.
Dần chứng tỏ phẩm chất và sự lạnh lùng của mình, là điệp viên nằm vùng nhỏ tuổi nhất, tham gia vào các chiến dịch của tổ chức, nhưng Max và những đứa trẻ của chương trình Lebensborn không biết được những bi kịch nào đang chờ đợi mình phía trước...
Câu chuyện nhân văn đằng sau sự khốc liệt, tàn bạo
Theo nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn trong buổi tọa đàm có tên “Số phận những đứa trẻ trong chiến tranh thế giới thứ hai” diễn ra sáng 7/4 tại Hà Nội, hai cuốn sách trên đều nói về những đứa trẻ trong trại tập trung, nhưng mỗi tác phẩm đều mang ý nghĩa riêng biệt.
Ở Cây vĩ cầm Ave Maria, nếu chỉ thấy số phận cô gái chơi vĩ cầm thì mới chỉ đọc bề nổi. Cuốn sách này mang chủ đề âm nhạc. Tác giả sử dụng kiến thức âm nhạc, dùng âm nhạc để gài vào chủ đề “trẻ em thời chiến”.
Cuốn sách mang một thông điệp sâu xa hơn, rằng âm nhạc có thể hàn gắn đau thương, kiến tạo an vui. |
Nước Đức là quê hương của những nhà soạn nhạc lớn: Bach, Beethoven. Cuốn sách vài lần nhấn mạnh người Đức yêu âm nhạc. Ngay cả những người lính SS đứng trước âm nhạc cũng không còn là con quỷ nữa. Đây là lời biện minh cho việc: các sĩ quan Đức là những kẻ không có tính người. Quân SS có thể rút súng bắn vào bất cứ đứa trẻ nào hắn muốn. Nhưng trước âm nhạc, hắn có thể dừng bước. Cái đẹp, âm nhạc vượt qua những tàn bạo, thù hằn của đời sống. Thông điệp của tác giả là dùng vẻ đẹp âm nhạc để kiến tạo cuộc sống hòa bình.
Cuốn sách này còn đề cập tới khía cạnh khác, chúng ta có thể bao dung, tha thứ, xử lý khủng hoảng của quá khứ bằng cách nào? Sách có chương đoạn người lính Đức rơi vào tay Nhật trong thế chiến thứ nhất, cũng phải vào trại tập trung. Nhưng tù nhân trong trại tập trung của Nhật không bị giết, không bị khổ sai mà được “sống trong thế giới tiên bồng”. Ngay cả kẻ thất bại, tù binh vẫn là con người, vẫn xứng đáng được đối xử một cách nhân đạo, tử tế.
Việc nối kết cô bé hiện tại với cô bé trong thế chiến hai là sự nhìn lại lịch sử bằng sự bao dung, tha thứ, vượt lên thù hằn để kiến tạo đời sống an vui.
Dịch giả Cây vĩ cầm Ave Maria nói, khi dịch, cô ấn tượng với câu trong sách, đại ý: Sau chế độ phát xít, thế giới vẫn còn chiến tranh. Nền văn minh không thể ngăn chặn được các cuộc chiến. Còn văn hóa thì có thể hòa giải chiến tranh.
Với cuốn Max - Bi kịch chủng tộc thượng đẳng, câu chuyện được kể bằng chính sản phẩm của phát xít: đứa trẻ của chương trình Lebensborn.
Cậu bé Max kể lại cuộc đời mình, hành trình mình được sinh ra thế nào, huấn luyện ra sao để thành thượng đẳng. Giọng kể của nhân vật có phần hài hước, giễu nhại. Nhờ giọng điệu ấy, sức châm biếm, phê phán của sách vừa sâu sắc, nhưng không lớn tiếng chỉ trích, mang lại cảm giác dễ chịu cho người đọc. Max không kể lại câu chuyện bằng giọng u ám, đôi khi giễu lại ý tưởng của quốc xã, hoặc lời nói, tư tưởng của Hitler.
Trọng tâm chính của sách không nhằm bóc trần dự án sinh học phi nhân tính. Tác giả muốn nói, ngay cả những đứa trẻ thuần chủng, thượng đẳng vẫn là người bình thường, và khát khao lớn nhất cũng chính là bi kịch của chúng: được trở thành người bình thường.
Những đứa trẻ được sinh ra trong chương trình Lebensborn. |
Ngày nay, công nghệ vi sinh phát triển, tạo ra cuộc tranh luận về tiến bộ, đạo đức… Cuốn sách này khiến ta giật mình, vì dự án của Đức quốc xã cho ta thấy việc cố tạo ra những đứa trẻ "thượng đẳng" sai lầm thế nào. Vậy mà chúng ta vẫn tiếp tục muốn tạo ra những thứ phi nhân tính. Cuốn sách vì vậy có nhiều điểm tương thông với hiện tại.
Hai cuốn sách được viết với văn phong khác biệt nhau. Cây vĩ cầm Ave Maria là câu chuyện có chất mơ mộng, lãng mạn, liệu pháp cổ tích cài cắm khéo léo trong đó. Max - Bi kịch chủng tộc thượng đẳng lại giàu lý tính, trực diện, thẳng thắn.
Cả hai tác phẩm đều kể câu chuyện lịch sử nhưng không nặng tính giáo điều. Thông qua những chi tiết xúc động trong sách, khiến người đọc hôm nay có sự thấu cảm, tưởng tượng để từ đó có bài học cho riêng mình. Những cuốn sách này cho ta tự cảm nhận, tự lĩnh hội.