Chương trình nghị sự là cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng Goncourt năm 2017 của tác giả Eric Vuillard. Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về sự kiện sáp nhập Áo của Adolf Hitler. Từng chi tiết được gợi mở, từng bước nhỏ phơi bày thảm họa phát xít, để người đọc có thể nhìn thấy và kinh hoàng trước toàn bộ thảm họa đã diễn ra.
Bìa sách Chương trình nghị sự, bản chuyển ngữ tiếng Việt của dịch giả Phạm Duy Thiện, năm 2019. |
Cuốn sách bắt đầu tại thành phố Berlin ngày 20/2/1933, tại dinh thự của chủ tịch Quốc hội, một cuộc họp bí mật đã diễn ra, nhằm quyên góp tiền của cho chiến dịch bầu cử sắp tới của Đức Quốc xã.
Nhanh chóng sau đó, Vuilard chuyển câu chuyện đến ngày 12/2/1938, trong một cuộc gặp gỡ khác, lần này là thủ tướng Áo, Kurt von Schuschnigg, và Adolf Hitler tại biệt thự Berghof, nơi ở của Hitler, “cánh cổng mở ra và khép lại. Schuschnigg có cảm giác đã rơi vào bẫy tử thần”.
Vuillard đã miêu tả khá chi tiết và sắc sảo buổi gặp gỡ quan trọng của Schuschnigg và Hitler, làm bật rõ bản chất hèn nhát, yếu đuối, sợ hãi của người đứng đầu nước Áo khi đối mặt với kẻ tàn bạo Hitler. Sự bình an của một đất nước cuối cùng chỉ nằm ở cái đặt bút đầy ấp úng của một con người.
Áo giờ đây đã chịu sự giám sát của người Đức nhưng với người Đức, như thế hoàn toàn không đủ. Vào ngày 12/3/1938 người Đức đã xâm chiếm toàn bộ nước Áo và sáp nhập vào Quốc xã. Người Áo không phản kháng. Một cuộc tiếp quản hòa bình – không cần bạo lực hay sấm sét, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ.
Song song với tình hình bình lặng ấy, tác giả Vuilard đã kể cho độc giả một câu chuyện khác, câu chuyện chứa đầy những “tối hậu thư”, các thỏa thuận cưỡng bức, những sự kiện xa vời và những vụ lộn xộn bi thảm.
Ngày 12/3 trên đường diễu hành ấy, các xe bọc thép diễu hành mắc kẹt giữa đường phố, giữa tiếng la hét của người dân “thay cho tốc lực là sự ùn tắc, thay cho sức sống là sự ngột ngạt”. Vuillard dùng ngôn ngữ đầy châm biếm, hài hước để dẫn giải giờ phút hành quân sang đất Áo của Hitler và quân Đức Quốc xã.
Bằng những sự kiện có thật, với một loạt các cuộc họp diễn ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Vuillard đã say sưa trong đó, từ ấy khơi rộng ra những đường biên tưởng tượng đa dạng, tạo nên sự hài hước, chế giễu đầy sắc sảo về chính những đau khổ, mất mát của chiến tranh.
Trong chương viết Giai điệu hạnh phúc, sau buổi hành quân vào Áo, tác giả Vuillard viết về bộ phim tài liệu lịch sử của nước Đức. Bộ phim đã biến nước Đức trở thành “hình mẫu cho thể loại hư cấu”, “lịch sử diễn ra trước mặt chúng ra, như một bộ phim của Joseph Goebbels”. Việc sáp nhập Áo của nước Đức có vẻ là thành công phi thường. Không ai nhắc đến những cái chết. Mọi thứ diễn ra như một vở kịch, giả tạo và kệch cỡm.
Vuillard dùng ngôn ngữ đầy châm biếm, hài hước để dẫn giải giờ phút hành quân sang đất Áo của Hitler và quân Đức quốc xã. |
Vuillard quan sát thấy tất cả những thảm họa lớn đã ngấm ngầm xảy ra, bị lịch sử của bên thắng cuộc che khuất. Những cái chết đang hàng ngày xảy ra. Ngay trước lúc Áo sáp nhập, đã có hơn một nghìn bảy trăm người tự tử chỉ trong vòng một tuần. Những người Do Thái ở Áo vẫn đang ngày ngày nhảy ra khỏi ban công nhà mình, ngày ngày bật khí gas, âm thầm chết…
Lịch sử của bên thắng cuộc không ai nhắc đến họ, những đám người chết, “họ bước ra từ hư vô”. Những dòng chữ của Vuillard đã dần đắp lại hình hài cho những người âm thầm chết ấy, vạch trần tất cả những man rợ của Đức Quốc xã, bằng thứ ngôn ngữ sắc lạnh, chặt chẽ, đầy âm vọng.
Cuốn tiểu thuyết ngắn của Vuillard kết thúc trong khi câu hỏi nhưng tất cả những người đó là ai?, vang vọng và day dứt về bản chất thực sự của chiến tranh. Những người chết không có tên, những người chết không thể cất tiếng. Lịch sử liệu có được nhắc nhớ bởi những người đã chết?
Khép lại ở đó, sâu thẳm câm lặng và ám ảnh.
Chương trình nghị sự mang đậm tính kịch, với những chương viết ngắn được tóm tắt trong những tiêu đề trước mỗi chương, những đoạn đối thoại kịch tính, sắc nét, thể hiện rõ quan điểm của tác giả: “Diễn kịch là nguồn gốc của thế giới”.
Cuốn tiểu thuyết lần đầu tiên được xuất bản ở Pháp, tháng 4/2017, đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của độc giả, đồng thời nhận được rất nhiều những lời khen ngợi của báo chí và giới phê bình, và giành được giải thưởng Goncourt.
Eric Vuillard sinh năm 1968 tại Lyon, Pháp. Ông là nhà văn kiêm đạo diễn nổi tiếng. Ông là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Nỗi buồn của đất, Trận chiến phương Tây…