Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con người cần tìm tới những công việc AI chưa thể thay thế

Theo dịch giả Tống Liên Anh và tác giả Hoàng Nam Tiến, trong thời đại AI, học tập suốt đời là chìa khóa để bắt kịp xu hướng của thị trường lao động.

thi truong anh 1

Ông Hoàng Nam Tiến và dịch giả Tống Liên Anh. Ảnh: NVCC.

Theo ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học FPT - sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo đang mở ra một cuộc cách mạng trong thị trường lao động. Chúng có khả năng thay thế con người ở nhiều vị trí, từ lao động phổ thông đến chuyên môn. Vì vậy, để bắt kịp xu hướng thị trường lao động, con người phải đáp ứng được khả năng thích nghi và học hỏi không ngừng.

Các công ty đang sử dụng robot AI như thế nào?

Dẫn số liệu từ dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, gần một nửa doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự để tích hợp AI vào vận hành năm 2025 và đến năm 2030, gần 60% lực lượng lao động cần được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu mới.

Ông Hoàng Nam Tiến nhận định thực tế đã chứng mình điều này. “Ngành ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu giao dịch viên do sự phổ biến của ngân hàng số. Kế toán viên cũng đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi các phần mềm AI có khả năng tự động hóa công việc”, nguyên Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom nói trong buổi chia sẻ với độc giả tối ngày 9/3 trên mạng xã hội TikTok.

Về vấn đề việc làm thời AI, dịch giả Tống Liên Anh cũng chia sẻ rằng gần đây TS Lê Đặng Trung - Phó giám đốc RealTime Robotics - cho biết công ty ông đã giảm một phần ba nhân sự nhưng hiệu suất tăng gấp 3-4 lần nhờ trí tuệ nhân tạo bởi robot AI có thể sắp xếp đồ mọi thứ nhanh và hiệu quả hơn con người. Một số công ty khác cũng bắt đầu ứng dụng AI cho những công việc như đánh giá, phân tích dữ liệu.

thi truong anh 2

Các loại robot giáo dục xuất hiện trong một triển lãm tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

“Trước đây, người ta lo ngại về việc thiếu học hành sẽ dẫn đến lao động chân tay, nhưng hiện nay, AI đe dọa thay thế cả những công việc có chuyên môn. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị cho những công việc mới, chưa xuất hiện. AI tạo ra cơ hội, yêu cầu con người học hỏi và thích nghi liên tục”, dịch giả Tống Liên Anh nói.

Không thể phủ nhận rằng AI dần trở thành "đồng nghiệp mới" của con người. Các công ty công nghệ đã bắt đầu báo cáo số lượng "nhân viên số" bên cạnh nhân sự truyền thống. Một nhận thức mới về thị trường lao động đang dần được hình thành: không có công việc nào ổn định mãi mãi.

Thế hệ trẻ đối mặt như thế nào với sự thiếu ổn định?

Dưới tác động của công nghệ và kinh tế, thế hệ Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012) và Gen Alpha (sinh từ 2013 trở đi) sẽ đối diện với những thách thức chưa từng có.

Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng một số bạn trẻ sẵn sàng thay đổi công việc để tìm kiếm đam mê. Những người đó có thể bỏ ra một số tiền học kỹ năng mới và dấn thân mình. Trong mắt các thế hệ đi trước, những quyết định như này có thể được coi là một sự liều lĩnh.

Từ góc nhìn khác, việc này phản ánh thực trạng thị trường lao động đang có những sự chuyển biến rất nhanh, từ yếu tố bên ngoài (sự bùng nổ của AI) và yếu tố bên trong (nhu cầu được tìm kiếm chính mình trong thời đại mới). Về mặt tích cực, các bạn trẻ đều đang nỗ lực học tập và không ngại đổi mới từng ngày, nâng cao khả năng thích nghi. Về mặt tiêu cực, những cá nhân thuộc Gen Z, Gen Alpha phải chịu áp lực tâm lý nặng nề trong quá trình xây dựng sự nghiệp.

thi truong anh 3

Người trẻ tìm kiếm đọc sách. Ảnh: Việt Hà.

"Thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, Gen Z và Gen Alpha không thể chỉ dựa vào những gì học được trong trường đại học. Học thêm một nghề, mở rộng một kỹ năng mới không phải là thất bại, đó là cách để nắm bắt cơ hội", ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Trên phương diện giáo dục, dịch giả Tống Liên Anh cho rằng một bộ phận bạn trẻ có thể gặp khó khăn khi thích nghi với những chuyển biến nhanh chóng của thị trường lao động. Vì vậy, họ có thể trở nên bị động, thiếu cơ hội tiếp cận công việc có mức thu nhập tốt. Như dịch giả của tác phẩm Học tập suốt đời nhận định, "Nếu một tấm bằng kỹ sư từng có giá trị 35 năm, thì nay chỉ sau vài năm, một nửa kiến thức đã lỗi thời".

Học tập suốt đời là chìa khóa

Vậy làm thế nào để con người không bị AI vượt qua? Câu trả lời của hai diễn giả đưa ra là học tập suốt đời. Theo UNESCO, học tập suốt đời dựa trên bốn trụ cột: học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tìm thấy chính mình. Trong bối cảnh AI, hai trụ cột đầu tiên trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Người lao động cần biết cách ứng dụng kiến thức vào thực tế để nâng cao giá trị bản thân.

Đây cũng là triết lý được ông Hoàng Nam Tiến và dịch giả Tống Liên Anh theo đuổi. Dù con đường khác nhau, mục đích lớn nhất của cuộc đời họ là học tập.

Từ thuở nhỏ, ông Hoàng Nam Tiến đã nuôi dưỡng đam mê với bầu trời và ước mơ trở thành phi công. Đến năm 37 tuổi, ông đã hiện thực hóa ước mơ đó bằng việc học lái máy bay, trải nghiệm cảm giác "trên cả tuyệt vời" khi tự mình điều khiển máy bay cất cánh. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn chinh phục những thử thách khác như leo núi, nấu ăn, và liên tục thay đổi công việc tại FPT để làm mới bản thân.

Học tập suốt đời giúp con người tiếp thu kiến thức mới để thích ứng với thời đại và "kiến tạo chính mình", theo đuổi những đam mê và ước mơ. Ông Hoàng Nam Tiến khẳng định: "Học để sống một cuộc đời đích thực là của mình. Điều này đồng nghĩa với việc học để khám phá tiềm năng bản thân, vượt qua giới hạn và sống một cuộc đời trọn vẹn”.

thi truong anh 4

Ông Hoàng Nam Tiến học làm phi công ở tuổi 37. Ảnh: NVCC.

Dịch giả Tống Liên Anh, xuất thân từ một vùng nông thôn, đã vượt qua những rào cản về điều kiện học tập để trở thành một dịch giả, người truyền cảm hứng. Bà chia sẻ rằng tuổi thơ thiếu thốn đã thôi thúc bà khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài. Bà không ngừng học hỏi, đặc biệt là ngoại ngữ, để có thể đi khắp nơi và làm việc với các tổ chức hàng đầu thế giới.

"Học là để chế tạo những giấc mơ, để tìm ra chính mình và sống cuộc đời như mình mơ ước", bà Tống Liên Anh chia sẻ.

Cho đến nay, khi nhìn lại toàn bộ hành trình theo đuổi việc học của mình, từ một cô bé lớn lên với lũy tre làng tới một người truyền cảm hứng học tập, bà Tống Liên Anh không phủ nhận rằng có những lúc rất khó khăn. Nhiều người xung quanh còn đặt ra những câu hỏi rằng tại sao bà lại từ bỏ công việc của mình khi đang ở trên đỉnh cao để đi học, đi khám phá thế giới.

Dịch giả Học tập suốt đời thừa nhận: “Dẫu có thời điểm phải khóc một mình, tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của bản thân bởi sống trọn vẹn với sứ mệnh, với khát vọng học tập của bản thân - đó là khi ta thực sự được sống”.

Từ những câu chuyện của ông Hoàng Nam Tiến và bà Tống Liên Anh, có thể thấy học tập suốt đời là chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công và hạnh phúc. Trong thời đại AI, việc học tập giúp con người thích ứng với những thay đổi, khám phá tiềm năng bản thân, theo đuổi đam mê và sống một cuộc đời ý nghĩa.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tốc độ đọc 200 trang/giờ của ông Hoàng Nam Tiến có phải điều hiếm gặp?

Với kỹ thuật đọc nhanh, một người có thể đọc hơn 1.000 từ/phút. Điều này giúp các độc giả tìm kiếm các thông tin nhanh hơn nhưng khả năng hiểu có thể suy giảm đáng kể.

Phương pháp đọc 25 cuốn sách/tháng của ông Hoàng Nam Tiến

Sau thời gian dài áp dụng phương pháp đọc nhanh và sự hỗ trợ của AI, ông Hoàng Nam Tiến có thể đọc khoảng 25 cuốn sách/tháng.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm