Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cơn say xỉn khiến người nổi tiếng ngớ ngẩn, bệ rạc

Nero, Stalin, Baudelaire, Simenon... đều là những nhân vật gắn với các cơn say được kể trong cuốn "Say xỉn học toàn thư".

Bách khoa thư về khoa học, văn học, nghệ thuật hay lịch sử cũng đã có nhiều, nhưng về… say xỉn học thì chưa từng trên đời. Nhẽ chăng người ta nghĩ say xỉn là một thứ xấu, xấu đến nỗi phần lớn các nước Hồi giáo còn cấm tiệt cả rượu đi. Đã xấu thì đừng có nhắc đến nó làm gì. Vậy mà hai tác giả Cserna Szabó Andras và Darida Benedek đã “cả gan” làm một việc kỳ lạ là viết một cuốn “bách khoa thư” về say xỉn học.

Chuyện những cơn say dưới con mắt hai gã tinh quái

Trong ấy có chân dung những kẻ say lừng danh từ cổ chí kim và cả các bài thuốc giải say từ khắp nơi trên thế giới. Hãy coi “Người Trung Hoa cổ ăn óc ngựa sau đêm uống rượu say. Người Ai Cập tin rằng chỉ có rau cải bắp luộc giúp họ qua khỏi cơn say. Người Syria tin vào mỏ chim én và nhựa cây mộc dược xay nhỏ trộn vào nhau. Dân Roma cổ đại ăn chim hoàng yến nướng giòn. Các bà vợ của bộ lạc Warao ở Nam Mỹ thì buộc các ông chồng vào võng nghĩ rằng như vậy rượu sẽ bay hơi nhanh hơn…”.

Tiếp cận một đề tài tưởng chừng rất… ngớ ngẩn ấy mà bắt những kẻ không say xỉn, những kẻ chưa từng uống rượu, hoặc thậm chí ghét cay ghét đắng đồ uống có cồn đọc cho đến hết 350 trang là một việc thậm chí còn khó hơn là uống một thùng rượu palinka mà không say. Tuy nhiên Cserna Szabó Andras và Darida Benedek đã “song kiếm hợp bích” mà thành công.

Sách Say xỉn học toàn thư

Ngay từ tiêu đề, cuốn sách đã cho thấy tính hài hước đậm đà của hai nhà văn Hungary, một quốc gia Trung Âu nổi tiếng vì rượu vang, đồ ăn ngon và tính hài hước. Xuyên suốt 40 câu chuyện và 66 công thức nấu ăn, lối nói giễu nhại, ẩn dụ, thậm xưng, nói lái, nói ngược được “tung chiêu xuất chưởng” một cách ngoạn mục và ăn ý, đến nỗi có lẽ ngay cả những nhân vật trong cuốn sách ấy giả sử có sống dậy mà đọc những gì người ta viết về mình chắc cũng chỉ biết nở nụ cười lúng túng.

Viết về chuyện rượu chè, say xỉn, nhưng nếu chỉ có thế thì đâu cần đến nhà văn. Ở đây, tác giả giống như những người dân gian xưa, “mượn rượu” mà ám chỉ. Cả một vùng văn hóa, lịch sử châu Âu hiện lên rõ mồn một qua những cơn say triền miên.

Từ đầu đến cuối Say xỉn học toàn thư, người đọc cứ há hốc miệng như chừng lắng nghe hai anh chàng uyên bác đang ngà ngà say với hai ly rượu vang Hung trên tay, và họ sẽ kể lan man hết chuyện nọ đến chuyện kia bằng một giọng điệu liến thoắng. Những câu chuyện tưởng chừng như bất tận trong một tiệc rượu cà kê đến sáng.

Lịch sử của những cơn say xỉn được lần về từ thời cổ đại cho đến trung cổ, phục hưng rồi tới thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xuyên suốt thời chiến tranh lạnh và kéo dài đến thế giới đương đại. Hãy xem những ai được hai kẻ giả say kia đưa ra giễu nhại và bóc trần sự thật bằng những giai thoại và các câu chuyện lịch sử: Từ các triết gia Hy Lạp, các nhà thơ Ả Rập hư hỏng và những chính khách đầy ắp tham vọng như Nero, Stalin, Tito, Khrushchev hoặc thậm chí là George Bush. Các danh gia của nhân loại cũng chẳng phải ngoại lệ mà bị loại trừ: Baudelaire, Rimbaud, Verlaine, Ibsen, Hemingway, Chandler, Bukowski, Simenon, Hunter S. Thompson…

Khốn khổ thay, dưới con mắt của hai gã tinh quái kia, những chân dung huyền thoại bỗng hiện lên trần trụi đằng sau “cánh gà” của sân khấu lịch sử: khật khưỡng, nôn mửa, ngớ ngẩn và bệ rạc. Cả những kẻ bệnh hoạn có thú vui uống rượu bên cạnh xác chết, hay vừa rượu vừa nha phiến cho tới lúc bị mọi ảo giác hoành hành và rồi kết thúc cuộc đời thiên tài bằng một cơn ngộ độc rượu.

Thậm chí trong cuốn tiểu thuyết Cái chết cưỡi ngựa ra khỏi xứ Ba Tư, nhà văn Péter Hajnóczy còn khẳng định “Nhà văn nào có giá trị một chút đều nát rượu cả”. Nhà ẩm thực học nổi tiếng thế giới Anthelme Brillat Savarin cũng được nhắc đến khi biện bạch một cách hài hước trong cuốn Sinh lý học của vị giác xuất bản năm 1826: “Tôi nhận ra con người mình có một sự thèm khát to lớn với các loại rượu bia, các con vật không có những cơn thèm khát này. Và trong mình cũng có một nỗi lo lắng phấp phỏng về tương lai, một điều cũng không thấy có ở loài vật. Tôi coi hai điều đó là những tuyệt tác của kiếp người, là hai tiêu chuẩn để phân biệt con người với thú vật".

Pho lịch sử, ẩm thực thể hiện qua những cơn say

Chẳng còn trừ ai ra nữa, Say xỉn học toàn thư đích thị là một pho lịch sử văn hóa pha trộn với lịch sử ẩm thực. Những nhân vật trứ danh trong các tác phẩm văn học cũng được điểm tên, và những tình tiết say xỉn của họ cũng hoang đường tới mức chúng đóng đinh các nhân vật ấy vào bản đồ văn học thế giới.

Cuốn sách còn độc đáo bởi nhiều hình ảnh minh họa, những trích dẫn và đặc biệt là 66 công thức nấu ăn mà với các tác giả thì “nước, muối, vitamin C, vitamin B12, trứng - những thứ này chắc chắn là cần thiết, bởi công thức của chúng vẫn được truyền tụng trong dân gian. Dù sao cũng thật là hữu ích khi những món ăn ngon và bổ dưỡng quay trở lại với cuộc sống".

Trong đó nhiều công thức có thể ứng dụng được ngay cho một món ăn nhưng cũng nhiều công thức chỉ để cười với nhau như bột mì nhào cuốn chiếu, gián và chuột, để đảm bảo bài thuốc giải rượu ấy sẽ khiến kẻ say tỉnh rượu ngay lập tức và muốn nhịn ăn, nhịn cả rượu trong suốt 40 ngày sau.

Hai tác giả Cserna Szabó Andras và Darida Benedek.

Không chỉ có tài năng trong văn chương, cặp bài trùng Cserna Szabó Andras và Darida Benedek còn được mệnh danh là những kẻ sành ăn và chuyên gia về ẩm thực. Nhà văn, nhà báo Cserna Szabó Andras (1974) với gần 20 đầu sách và hàng chục giải thưởng văn học cao quý của Hungary từng làm biên tập viên cao cấp của tạp chí ẩm thực nhà bếp Hungary, đã xuất bản vô số tiểu luận và các bài viết về ẩm thực. Còn nhà văn Darida Benedek (1970) là tác giả của cuốn sách chỉ dẫn tuyệt vời Grand Budapest mà trong đó những địa chỉ nào ăn ngon và món ăn nào lừng danh đã được tác giả liệt kê tỉ mỉ.

Văn học Việt Nam từng ghi nhận những tản văn ẩm thực thú vị của Vũ Bằng, Thạch Lam đã sống mãi với thời gian, thì ở xứ Hung, hai gã “quái đản” Cserna Szabó Andras và Darida Benedek đã làm công chúng phải bật cười về khả năng hài hước, tài liến thoắng và kiến thức uyên thâm của họ trong mọi lĩnh vực.

Thêm vào đó, văn phong của Cserna Szabó Andras và Darida Benedek cũng sử dụng nhiều tính biểu đạt nghệ thuật khiến đây là một khó khăn lớn cho người chuyển ngữ cuốn sách. Tuy nhiên dịch giả Phan Anh Sơn đã rất uyển chuyển mà truyền tải sát nhất ý tứ văn học của tác giả cho phù hợp với ngôn ngữ Việt để cho ra đời một bản dịch hoàn hảo.

Trong khuôn khổ Ngày sách châu Âu tại Việt Nam, một buổi ra mắt sách Say xỉn học toàn thư được tổ chức lúc 18h ngày 14/5 tại L'espace, 24-26 Tràng Tiền, Hà Nội. 



Nhà văn Di Li

Bạn có thể quan tâm