Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phía sau một ‘gái phượt’

“Sống buông thả, dễ dãi” là hiểu lầm thường gặp về các nữ phượt thủ. Nhưng hành trình 12 năm của Lê Thu Thảo cho thấy một chân dung hoàn toàn khác.

12 năm đi phượt, hơn 200 chuyến đi, làm mẹ đơn thân và sở hữu hai đầu sách du ký, Lê Thu Thảo là phượt thủ điển hình. Với nick dùng trong giới phượt là Yếm Đào Lẳng Lơ, chị được nhiều người biết tới khi đứng trong nhóm những người đi đầu phong trào phượt ở Việt Nam.

Mới đây, chị phát hành hai cuốn sách du ký được cộng đồng phượt đón nhận là Gái phượt Yếm Đào du ký.

Bằng giọng nói sôi nổi, Lê Thu Thảo kể về những cung đường, chuyện con gái đi phượt, chuyện làm mẹ đơn thân và đưa con 10 tháng tuổi rong ruổi cùng mình.

Gai phuot,  Phuot thu anh 1
Chân dung "gái phượt"


Dân phượt không ngại đi, chỉ ngại không có đích đến

- Chị đã bắt đầu hành trình đi phượt từ khi nào?

- Hành trình đó bắt đầu từ hơn 10 năm trước. Cuối năm 2005, có một cô bạn thân rủ tôi: “đi Si Ma Cai không?”. Lúc ấy tuổi của chúng tôi bị xếp vào hạng “ế sưng rồi”, nên cứ thế đi chơi thôi.

Đi chuyến đó, tôi cũng tham gia box Du lịch trong diễn đàn TTVNOnline. Tôi chia sẻ ảnh và bài viết về chuyến đi trên diễn đàn.

Sau lần đầu đó, là rất nhiều chuyến phượt nối tiếp.

- “Rất nhiều chuyến phượt” đã nối tiếp như thế nào?

- Sang năm 2006, tôi 28 tuổi và đi phượt rất nhiều cùng các bạn trong TTVNOnline. Chúng tôi đều đi làm nên tranh thủ thời gian cuối tuần mới đi. Cứ chiều thứ 6 kết thúc ca làm là đi, tối Chủ nhật thì về. Chúng tôi đi khắp nơi: Mù Cang Chải, Y Tí, Hà Giang, Cao Bằng…

Ban đầu tôi đi nhiều về phía Tây Bắc hơn, vì đi xe máy tiện cho mình đi vòng quanh và trở về. Tây Bắc cũng có nhiều phong cảnh đẹp, tôi đã đi gần hết những nơi đó.

Nếu cộng dồn hai ngày cuối tuần, nghỉ lễ thì mỗi năm tôi đã dành khoảng hơn hai tháng để đi phượt theo cách đó. Có những chuyến đi 10 ngày nhân nghỉ lễ.

Tôi hay đi cùng một bạn (gọi là xế cứng để đổi tay lái cho nhau). Tôi đi phượt bằng một chiếc xe máy Future, đó chính là chiếc xe cùng tôi chinh phục 4 cực 1 đỉnh Việt Nam.

Sau đó tôi có các chuyến đi nước ngoài. Chúng tôi cố gắng mỗi lần đi nước ngoài thì đi trong khoảng hai tuần. Thời ấy bắt đầu xuất hiện hàng không giá rẻ nên chúng tôi đặt vé trước cả nửa năm tới một năm. Đặt trước lâu như vậy, nên ai cũng háo hức lắm, chúng tôi lên một lịch trình mà họp đi họp lại hơn 10 lần, cảm giác vui và thân thiết.

- 12 năm đi phượt, điều gì khiến chị gắn bó với các chuyến đi như vậy?

- Nhiều người đi thử một lần và không bao giờ đi nữa. Chỉ cần trên hành trình phải nhảy xuống và đẩy xe một lần là đủ khiến họ từ giã những cung đường.

Đi phượt là đi vào đường tiểu ngạch, đường dân sinh, hoặc đường ngựa, chứ không chọn những đường quang với phương tiện và cơ sở tiện nghi. Cái thú của người đi phượt là như thế, tìm tới nơi chưa ai vào.

Có những lúc bọn tôi đi 10 tiếng đồng hồ mà không tìm thấy dấu tích gì của con người, cuối cùng tới một bản, và mỗi người được ăn một nửa bát cơm với vài hạt muối.

Thế mà càng đi tôi càng muốn đi thêm nữa, đi tiếp, tới nơi mình chưa tới. Đi cho tôi nhiều năng lượng.

Ban đầu tôi chưa làm báo, chỉ đi để thoát khỏi sự tẻ nhạt. Chuyến này thấy chỗ nào chưa vào được thì chuyến sau quyết vào được. Sau này làm báo thì đi còn là khám phá, là chất liệu.

Chúng tôi có từ “say đường”, nhiều khi không đi phượt được, thì vác xe chạy quanh phố vòng vòng giữa đêm cho đỡ nhớ.

- Trong đó có những chuyến đi nào bộc phát mà đáng nhớ?

- Có lần tôi đi Hoàng Su Phì trong 28 tiếng, xuất phát ở Hà Nội, đi từ 11h đêm hôm trước tới 4h sáng hôm sau mới về. Đó là chuyến đi điên cuồng.

Hoặc là chuyến đi Hải Phòng, tự nhiên tôi thấy muốn đi biển, thế là đi từ 3h sáng ra hít hà hơi biển rồi về.

Dân đi phượt không ngại đi, chỉ ngại không có đích đến.

- Trên đường đi phượt, chị giải quyết những vấn đề như nơi ăn, chốn ngủ như nào?

- Có rất nhiều nơi ăn, ngủ. Những ngôi nhà trên đường đi là nơi ở, người dân là bạn, ăn ở quán hoặc nơi nhà dân.

Khi đến một điểm miền núi, thì vào nhà trưởng bản đầu tiên, rồi vào trường học. Mình phải xin phép người dân nơi đến, và tìm nơi an toàn như trường học.

- Trên đường đi phượt, chị có gặp sự cố nào đáng nhớ?

- Tôi và các bạn gặp nhiều sự cố: như chuyện nhạy cảm về đường biên giới, gặp người buôn ma túy… Đến những địa bàn có buôn ma túy thì người dân không thân thiện, nên phải cẩn trọng với đồ đạc của mình, nếu không cẩn thận có thể đồ đạc trở thành nơi chuyển ma túy ra ngoài mà mình không biết.

Hoặc có những đoạn đường sát biên giới, như đi A Pa Chải chẳng hạn, thì chúng tôi phải đến các nơi xin phép, mang giấy tờ cẩn trọng, phải có bộ đội biên phòng dẫn.

Gai phuot,  Phuot thu anh 2
"Gái phượt" không thích mặc váy, chỉ quần jeans, nhong nhong xe số trên đường.

Gái phượt thì mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng

- Con gái đi phượt thường đối mặt với những khó khăn gì?

- Tôi chơi với một nhóm bạn tin cậy. Phải có sự tin tưởng với nhau thì mới giám bước ra ngoài đường cùng nhau.

Gái đi phượt cũng gặp những khó khăn như trai đi phượt. Ngày xưa, chúng tôi đi Mường Lát, qua một đoạn đường mà tre đan kín thành vòm rất đẹp, chạy dọc sông Mã. Con đường đó lúc ấy chưa có trên bản đồ. Trên đường toàn đá hộc, suối, chúng tôi mất một ngày để đi 70km. Tới điểm có người dân bản địa, họ bảo "chẳng hiểu chúng nó vào đấy làm gì".

Mà chúng tôi đi vì gì chứ? Vì có một cậu bạn đã đi và kể lại có một con đường vòm tre đẹp như thế, nên chúng tôi muốn biết.

Bù lại, phong cảnh hoang sơ, chưa có bàn tay con người rất đẹp. Tới nay, con đường đó đã khác, vòm tre cũng không còn…

- Con gái đi phượt được những gì?

- Tự tin, tính cách mạnh mẽ, phóng khoáng, hơi hoang dã. Gái phượt khá hấp dẫn, họ luôn có một năng lượng tỏa ra. Tôi quen khá nhiều gái phượt đình đám, nhưng họ không đi với nhau. Gái phượt có cái tôi mạnh, họ thường là thủ lĩnh.

- Với những định kiến như gái phượt thường buông thả, dễ dãi, chị nghĩ sao?

- Không có chuyện đó đâu. Cái gì cũng có quy tắc hết. Ví dụ nếu trong đoàn đi phượt mà có phát sinh quan hệ trai gái, đó là chuyện tình cảm gắn bó thì bình thường, nhưng nếu chỉ là chuyện say nắng trong chuyến phượt, thì chuyến sau sẽ không được đi cùng đoàn nữa.

Về buông thả thì đó là tính cách của mỗi người, chứ đâu phải là của gái phượt. Nếu buông thả, thì chỉ cần vào nhà nghỉ Gia Lâm chứ đâu cần phải đi xa, đi phượt…

- Sự khác nhau giữa gái phượt và gái ở trong nhà là gì?

- Gái phượt không thích mặc váy. Tôi huỳnh huỵch như con trai, chứ không muốn thướt tha xúng xính. Có sự kiện quan trọng lắm thì mặc váy, đi giày có gót, nhưng cảm giác đó không phải là mình.

Tôi là đứa quần jeans, xe số long nhong trên các cung đường. Tôi không bao giờ mặc áo chống nắng. Tôi thích sự khỏe khoắn, tự nhiên, thoải mái.

- Đi phượt tôi rèn cho chị điều gì?

- Ngày xưa tôi là đứa nhút nhát ít nói. Khối kiến thức của tôi tăng lên nhiều sau  mỗi chuyến đi, nhất là các kinh nghiệm đi lại, sống… Sau khi đi phượt, tôi được mở mang thêm nhiều bạn bè, rất tự tin.

Đi phượt cho tôi nhiều thứ. Được rất nhiều, không mất gì cả. Tôi được sự tôn trọng của bạn bè, của những người không đi phượt, mà sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của tôi.

Cũng vì những tính cách mạnh mẽ đó tôi mới quyết định làm mẹ đơn thân. Nếu là cô gái trong nhà, trong văn phòng, có lẽ tôi không dám làm mẹ đơn thân.

Gai phuot,  Phuot thu anh 3
Lê Thu Thảo và con gái trong một chuyến đi lên vùng cao.

Để con được bay

- Hiện nay, việc đi của chị diễn ra như thế nào?

- Gia đình có hai mẹ con, nên tôi đi cùng con gái nhỏ. Tôi không gửi được con cho ai, và cũng muốn con là bạn đồng hành. Nên mẹ đi đến đâu con đi đến đấy.

Có con thì việc đi cũng phức tạp hơn, ngay từ khâu chuẩn bị đã phải chu đáo. Tôi không thể bốc đồng thích là đi ngay được. Trước đây cứ đi đến đâu ăn đấy, gặp đâu ngủ đấy, đi theo cảm hứng không cần đặt khách sạn. Nhưng giờ phải tìm điểm đến, tìm khách sạn, tìm hoạt động vui chơi quanh điểm đến cho trẻ chơi được nhiều nhất.

- Chị phải chuẩn bị những gì khi đưa em bé đi cùng?

- Em bé tới nay 3 tuổi. Cháu đã đi 12 chuyến. Mỗi lần đi, phải chuẩn bị đầy đủ cho bé, quần áo các mùa từ xuân hạ thu đông, những món đồ cần thiết như đồ ăn vặt cho trẻ, đồ chơi… Món đồ cần thiết nhất là thuốc, bởi một đứa trẻ có thể sổ mũi hắt hơi dễ dàng.

Có lần đi Ninh Thuận, cháu bị sốt phải cấp cứu. Từ đó, trước khi muốn đi đâu tôi phải tìm địa chỉ bệnh viện, bác sĩ ở xung quanh nơi mình đến.

- Các hành trình của hai mẹ con có gặp trở ngại gì không?

- Chuyến đi đầu tiên là khi bé 10 tháng tuổi. Tôi vấp phải phản đối từ phía bố mẹ, người thân. Mọi người bảo bé như thế cho đi thì biết cảm nhận được gì. Nhưng tôi thấy hễ mình bế con ra khỏi 4 bức tường đã là thành công. Bởi một đứa trẻ trong nhà và một đứa trẻ ra ngoài thì khác hẳn nhau.

Cháu đã có hai chuyến đi vùng núi, hai chuyến đi biển. Tôi cũng muốn đưa bé đi trải nghiệm để biết sức của con ra sao. Đặc biệt, chuyến đi Mèo Vạc con tôi rất thích. Hàng ngày ra chợ Mèo Vạc cháu đều cảm thấy thu hút bởi con mèo, con lợn, và chúng tôi đã mua một con vịt về cho cháu nuôi.

Gai phuot,  Phuot thu anh 4
Hai cuốn sách du ký của Lê Thu Thảo.

Viết sách như sự giải phóng bản thân

- Việc viết sách về đi phượt đến với chị như thế nào?

- Ban đầu tôi định viết sách cho con với cái tên Để con được bay. Tôi muốn viết cuốn sách với hàm ý đưa con đi chơi không phải là mệt mỏi, vật vã, hay suốt ngày lang thang ngồi ghế khách sạn. Bởi mỗi bước trẻ đi ra ngoài là đứa trẻ khám phá được điều gì đó mà bố mẹ không cảm nhận được.

Nhưng đến một hôm tôi ngồi thống kê lại đống sách vở của mình. Tôi làm báo và có hơn 5.000 bài trong kho báo du lịch đã viết, tôi lại có hơn 200 chuyến đi. Nếu tôi không sử dụng chúng thì hơi phí. Tôi bắt đầu gom lại đống “tài nguyên” đấy, chia theo các chuyến đi nơi này nơi kia.

Tôi gửi vài NXB, một công ty sách nhận. Duyên nợ thế nào biên tập viên sách đã đi một chuyến phượt với tôi từ trước đó, nên cô ấy bảo tôi có rất nhiều chất liệu để viết, khuyên tôi nên làm lại bản thảo. Biên tập viên có gợi ý: “Tại sao chị không viết về chân dung những cô gái phượt như chị?”.

Bàn đi bàn lại, cuối cùng tôi viết cuốn đầu tiên – Gái phượt – trong tám tháng. Sách đó giới thiệu việc tại sao tôi đi phượt, tôi đi phượt như nào, kết thúc bằng việc tôi trở thành mẹ. Cuốn sách là sự trưởng thành của một gái phượt.

Cuốn thứ hai – Yếm đào du ký - cũng trải dài trên hành trình phượt, nhưng là những chuyến đi mà tôi ấn tượng nhất qua từng năm một, tới các địa danh như: Sapa, Hà Giang, Luangprabang (Lào),.. Cuốn sách đầu có hơi hướng tự truyện, còn cuốn sau có nhiều thông tin bổ ích về chuyện đi.

- Viết sách mang lại cho chị điều gì?

- Tôi được giải phóng bản thân. Chuyện viết lách đồng hành với việc tôi thành một bà mẹ đơn thân. Mỗi người khi mới làm mẹ đều gặp những vấn đề riêng, khi trở thành mẹ đơn thân lại càng có nhiều bức xúc.

Tôi chọn viết để giải tỏa stress. Bởi nếu không giải tỏa bằng bút, thì sẽ dễ dàng trút vào con mất. Tôi cứ viết, nó có thành sách hay không thì chưa biết.

Khi viết xong, tôi thấy thanh thản.

- Tình hình xuất bản các cuốn sách của chị thế nào?

Cuốn thứ nhất bán hơn 4.000, đã tái bản. Cuốn thứ hai mới xuất bản đầu tháng 8, in 5.000 bản lần đầu. Việc viết sách không phải để kiếm tiền, bởi nhuận bút của sách có khi chỉ vừa cho một chuyến đi của hai mẹ con thôi. 

'Gái phượt': Hãy sống và hạnh phúc theo cách của riêng mình

"Gái phượt" là cuốn sách viết về một cô gái đam mê xê dịch, luôn rạng rỡ, mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng mong muốn khám phá miền đất mới, băng qua mọi nẻo đường hiểm hóc...

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm