Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phi đội F-35C đầu tiên sẵn sàng chiến đấu trên tàu sân bay

Phi đội Hiệp sĩ đen sử dụng tiêm kích tàng hình F-35C đầu tiên đã sẵn sàng chiến đấu trên tàu sân bay, báo hiệu bước tiến lớn của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Thủy quân lục chiến cho biết phi đội tiêm kích tàu sân bay (VMFA 314), biệt danh Hiệp sĩ đen, sử dụng tiêm kích tàng hình F-35C trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) đã chính thức đạt được khả năng hoạt động đầy đủ, USNI News đưa tin.

Thiếu tá Derek Heinz, sĩ quan điều hành phi đội 314 nói: “Nhiều giờ đồng hồ đã được dành để phóng và thu hồi máy bay, bảo trì tại căn cứ Miramar, các cơ sở huấn luyện khác và trên tàu sân bay để tiến tới việc triển khai chiến đấu”.

Các phi công của phi đội 314 đã tự tin làm chủ máy bay và có thể nhận nhiệm vụ chiến đấu khi được yêu cầu, thiếu tá Heinz cho biết thêm.

Phi đội VMFA 314 đang chuẩn bị cho các đợt triển khai trong tương lai bằng cách tổ chức huấn luyện sẵn sàng trên tàu được thiết kế riêng (TSTA). Đây là phi đội F-35C đầu tiên tiến hành TSTA trong hàng không thủy quân lục chiến Mỹ.

Tiem kich tang hinh F-35 anh 1

Tiêm kích tàng hình F-35C hạ cánh trên tàu sân bay CVN-72. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Như vậy, Thủy quân lục chiến Mỹ trở thành lực lượng đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm kích tàng hình cất cánh từ máy phóng trên tàu sân bay. Trước đó, phiên bản F-35B cất hạ cánh thẳng đứng đã được triển khai trên các tàu đổ bộ tấn công.

Thủy quân lục chiến Mỹ đang đánh giá tổng thể về sự phối hợp chiến thuật giữa F-35B và F-35C trong các nhiệm vụ chiến đấu.

Tuy vậy, Thủy quân lục chiến Mỹ đã báo cáo những khó khăn trong việc bảo trì F-35, do thiếu các kỹ thuật viên trình độ cao. Họ đề xuất Lầu Năm Góc cần thay đổi mô hình quản lý để thu hút nhân tài trong ngành kỹ thuật.

F-35C là phiên bản được thiết kế riêng cho Hải quân Mỹ và Thủy quân lục chiến triển khai trên các tàu sân bay. Phiên bản F-35C tương tự F-35A của Không quân Mỹ, nhưng có diện tích cánh lớn hơn và phần đầu cánh có thể gập lại, để phù hợp với nhà chứa trên tàu sân bay.

Bộ phận hạ cánh được gia cố để chịu được áp lực khi cất cánh bằng máy phóng. Khung máy bay cũng được gia cố để phù hợp với việc hạ cánh bằng thiết bị bắt giữ.

Các thử nghiệm va đập của Hải quân Mỹ gây hại cho động vật biển

Vụ nổ thử nghiệm va đập cho tàu sân bay USS Gerald Ford mà Hải quân Mỹ thực hiện gần đây gây ra tổn hại nghiêm trọng cho sinh vật biển trong khu vực.

Mỹ xem xét lập lực lượng hải quân thường trực để ứng phó Trung Quốc

Mỹ có khả năng thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương để chống lại việc Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự trong khu vực.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm