Khi viên phi công vừa hoàn thành chuyến bay thương mại từ Mỹ đến Ấn Độ, anh bàng hoàng nhận được tin đồng nghiệp của mình đã chết vì Covid-19.
"Chúng tôi đáp máy bay ở thủ đô New Delhi, tắt động cơ, bật điện thoại và bất chợt người đàn ông ngồi cạnh tôi nói: 'Ôi trời, anh X đã qua đời'", viên phi công giấu tên cho biết.
"Tôi nhớ mình đã ngã xuống sàn khi nghe thấy tin đó. Tôi chết lặng một lúc".
Đó là người đầu tiên trong số 5 đồng nghiệp của anh thiệt mạng vào tháng 5 khi làn sóng Covid-19 ập đến và tàn phá Ấn Độ. Tất cả họ đều là phi công.
Đợt dịch thứ hai bắt đầu vào giữa tháng 3 và đạt đỉnh vào tháng 5, đã giết chết hàng chục nghìn người trên khắp Ấn Độ. Hệ thống y tế bị quá tải khiến một số người đã tử vong ngay bên ngoài bệnh viện trong khi chờ thở oxy.
Đại dịch cũng gây ra tác động nặng nề tới ngành hàng không Ấn Độ, CNN đưa tin.
Bất chấp những nguy hiểm của ngành nghề, phi công và các nhân viên phi hành đoàn phải đối mặt với việc cắt giảm lương và không được tiêm vaccine Covid-19. Nhiều người đã nhiễm bệnh và hơn 12 người đã chết trong làn sóng dịch thứ hai.
Nhân viên y tế đang đi kiểm tra giường bệnh của các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: CNN. |
"Phần lớn các đồng nghiệp của chúng tôi đang đối mặt với nguy hiểm mỗi ngày nơi chiến tuyến dịch bệnh", Liên đoàn Phi công Ấn Độ cho biết.
Vào ngày 8/6, liên đoàn đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Mumbai yêu cầu quyền lợi bảo hiểm, cũng như bồi thường cho các phi công qua đời vì Covid-19 và gia đình họ.
"Phi công, tiếp viên và các nhân viên hàng không khác đang làm việc không ngừng trong thời gian đại dịch để phục vụ quốc gia", đơn kiến nghị cho biết. "Do đó, cần có hành động để giúp họ vượt qua khó khăn".
Giảm lương "hàng loạt"
Trong làn sóng Covid-19 thứ nhất và thứ hai tại Ấn Độ, ngành hàng không đóng vai trò quan trọng, giúp chính phủ sơ tán người dân bị mắc kẹt và vận chuyển nguồn cung cấp thiết yếu đến những nơi bị ảnh hưởng nặng nề.
Một số hãng hàng không đã triển khai các chuyến bay hồi hương ngay từ đợt phong tỏa đầu tiên trên toàn quốc vào tháng 4/2020.
Gần 2.000 nhân viên của hãng Air India đã tham gia các chuyến bay đón người dân hồi hương tại hơn 20 quốc gia. 1/6 trong số họ có kết quả dương tính với virus corona và hơn 500 người phải nhập viện.
"Bất cứ phi công nào được chỉ định sẽ đều phải thực hiện nhiệm vụ trên các chuyến bay này. Họ có rất ít lựa chọn để từ chối", đơn kiến nghị cho biết.
Một phi công chia sẻ anh và các đồng nghiệp có thể quyết định không làm việc trên các chuyến bay đó, nhưng điều này sẽ đồng nghĩa với việc họ không được trả lương trong thời điểm kinh tế đầy bất ổn.
Giống như nhiều người lao động làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, đại dịch không cho người dân Ấn Độ cơ hội để được lựa chọn.
Viên phi công cho biết trước đây, anh từng được trả lương theo tháng, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, công ty của anh ấy đã chuyển sang hình thức trả lương cho phi công theo mỗi chuyến bay.
Vì vậy, việc các chuyến bay giảm đồng nghĩa các phi công sẽ chỉ kiếm được “50%, nếu không muốn nói là ít hơn so với mức trước đó”, anh cho hay.
Các công nhân đang chất hàng viện trợ y tế lên chiếc máy bay của hãng Air India. Ảnh: CNN. |
Không chỉ vậy, phi công trong toàn ngành đã phải đối mặt với việc cắt giảm lương mạnh kể từ đầu năm 2020.
Trong lá thư gửi bộ trưởng Hàng không dân dụng vào tháng 11/2020, Hiệp hội Phi công Thương mại Ấn Độ và Hiệp hội Phi công Ấn Độ cho biết các phi công của hãng Air India đã bị giảm lương tới 70%, gấp 7 lần so với mức cắt giảm của ban lãnh đạo cấp cao.
Bay mà không được tiêm vaccine
Viên phi công được CNN phỏng vấn cho biết anh và các đồng nghiệp của mình đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để tránh "tiếp xúc quá nhiều", đặc biệt là trên các chuyến bay đường dài đầy rủi ro suốt 16 tiếng.
Tuy nhiên, họ lại không được tiếp cận “lá chắn” bảo vệ quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch: Tiêm chủng.
Việc triển khai tiêm chủng của Ấn Độ đã bắt đầu vào tháng 1, với các đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế và những người có nhiệm vụ tuyến đầu.
Một số công nhân vận tải, bao gồm cả nhân viên đường sắt cũng nằm trong số đó, nhưng lại không có phi công hay nhân viên hàng không.
"Vaccine đã được được cung cấp ngày càng nhiều cho các đối tượng, nhưng chúng tôi vẫn không được ưu tiên. Trong khi đó, tình trạng số ca nhiễm trong ngành bắt đầu tăng lên ở mức báo động".
Vào tháng 4, Liên đoàn Phi công Ấn Độ đã kêu gọi chính phủ ưu tiên tiêm chủng cho các phi công. Họ cho biết việc loại trừ phi công khỏi danh sách ưu tiên "đã đánh giá thấp những rủi ro to lớn mà họ phải đối mặt và thể hiện sự thờ ơ đối với mạng sống của các phi công".
Tuy nhiên, các phi công vẫn không thể nhận vaccine cho đến tháng 5, khi chính phủ mở rộng việc tiêm chủng cho tất cả những người trên 18 tuổi.
Thậm chí kể cả sau đó, trong tình trạng khan hiếm vaccine Covid-19 như hiện nay, kế hoạch tiêm chủng vẫn chưa có gì được đảm bảo.
Một người đàn ông được tiêm vaccine tại Guwahati, Ấn Độ. Ảnh: CNN. |
"Không có khoản bồi thường bằng tiền mặt nào có thể thay thế cho mạng sống vô giá của con người", đơn kiến nghị trình lên tòa án viết. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh chính phủ phải có nhiệm vụ chăm sóc cho gia đình của các phi công đã "mạo hiểm an toàn để bay khắp thế giới và đóng góp một phần trong nỗ lực đối phó với mầm bệnh nguy hiểm nhất mà nhân loại từng biết".
Viên phi công được CNN phỏng vấn cho hay nếu được gọi, anh vẫn sẽ tiếp tục làm việc, nhưng đi kèm với đó là nỗi lo lắng cho gia đình và tương lai.
"Tôi đã thấy nhiều người khóc trên bản tin, qua các cuộc gọi", anh nói. "Và tôi sẽ không bao giờ muốn điều đau lòng này xảy đến với vợ con tôi".