Máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống đường băng trên đá Chữ Thập. Ảnh: CCTV |
Báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết, sáng 17/4, một máy bay tuần tra của Hải quân Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay dài 3 km trên đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi lấp trên đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trước đó, Bắc Kinh từng hạ cánh phi cơ dân sự xuống đường băng trên đảo.
Theo phía Trung Quốc, máy bay quân sự đáp xuống Chữ Thập nhằm cấp cứu công nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa. Bệnh nhân được đưa về điều trị tại bệnh viện ở Tam Á, đảo Hải Nam. Phía Trung Quốc cho rằng, vận tải bằng máy bay sẽ giúp bệnh nhân an toàn và nhanh chóng hơn so với đi lại bằng tàu thuyền.
Vị trí đá Chữ thập trên bản đồ. Đồ họa: Wall Street Journal |
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai đáp phi cơ quân sự xuống đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập. Ngày 2/1, Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay tới thử nghiệm đường băng phi pháp. 4 ngày sau, Trung Quốc cho thêm 2 máy bay dân sự hạ cánh xuống đảo kèm theo tuyên bố hành động của họ nhằm đảm bảo an toàn hàng không trong khu vực.
Trong khi đó, Wall Street Journal đưa tin, Mỹ phát hiện một loạt chuyến bay đến và đi từ đá Chữ Thập trong ngày 15/4, thời điểm mà truyền thông Trung Quốc nhắc tới chuyến thăm Biển Đông của Tướng Phạm Trường Long, một trong các phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Loại máy bay đáp xuống Chữ Thập cũng tương tự phi cơ mà giới quan chức cấp cao Trung Quốc sử dụng bao gồm Airbus A319 và Bombardier Canadair Regional Jet (CRJ). Ông Phạm tuyên bố tới thăm các binh sĩ và thị sát quá trình xây dựng trên thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông.
Trung Quốc ngụy biện việc đáp máy bay xuống Chữ Thập nhằm phục vụ mục đích nhân đạo. Ảnh: 81.cn |
Đường băng trên đá Chữ Thập dài hơn 3.000 m, có khả năng đảm bảo hoạt động của mọi loại máy bay, bao gồm phi cơ ném bom chiến lược tầm xa của Trung Quốc. Đây là một trong 3 đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đá và rạn san hô chiếm đóng của Việt Nam. Sân bay trên đá Chữ thập là sân bay đầu tiên được sử dụng trong khu vực.
Việc Trung Quốc hạ cánh máy bay quân sự xuống Chữ Thập cho thấy một bước tiến mới của Bắc Kinh trong tham vọng hiện thực hóa chủ quyền. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Theo các chuyên gia, sân bay trên đá Chữ Thập không chỉ giúp Trung Quốc phong tỏa Biển Đông mà còn tạo cho Bắc Kinh bàn đạp để tấn công các mục tiêu trong khu vực.