Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Ảnh minh họa: Reuters |
Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 15/4 cho biết, Phạm Trường Long, một trong các phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, vừa tới thăm các binh sĩ và thị sát quá trình xây dựng trên một thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc không nêu rõ vị trí ông Long tới thăm.
Phạm Trường Long là một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Mang hàm Thượng tướng, ông Long từng là tư lệnh Quân khu Tế Nam.
Việc phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc tới thăm thực thể Bắc Kinh chiếm đóng trên Biển Đông được thông báo đúng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố sẽ thăm tàu sân bay Mỹ quá cảnh trên Biển Đông trong ngày 15/4.
Chuyến thăm của ông Carter được cho là động thái nhằm vào các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bản đồ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Đồ họa: Telegraph |
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Trong những năm trở lại đây, Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động bồi lấp trên 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Song song các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa ở Trường Sa, Trung Quốc cũng bị phát hiện đưa tên lửa phòng không HQ-9 và tiêm kích phản lực J-11 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong cuộc họp báo chiều 14/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình một lần nữa nhấn mạnh "chủ quyền không tranh cãi với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Việt Nam kiên quyết phản đối Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu tới quần đảo Hoàng Sa đồng thời yêu cầu Bắc Kinh hành động có trách nhiệm trong khu vực.
Người phát ngôn nói thêm rằng với vị trí là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nước có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 cũng như tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).