Theo dự kiến, vào tháng 6 tới Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc để phản đối yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có hành động phủ đầu để đối phó với phán quyết bất lợi của PCA.
- Thưa giáo sư, ông đánh giá thế nào về khả năng Trung Quốc bồi lấp ở bãi cạn Scarborough như họ đã làm trên 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam?
- Có nhiều dấu hiệu rõ rệt cho thấy Trung Quốc sẽ hành động phủ đầu ở Scarborough trước khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Có thể Bắc Kinh sẽ xây dựng những công trình quy mô nhỏ hoặc các nhà giàn cho binh sĩ tạm trú trên thực thể này.
Ảnh vệ tinh chụp bãi cạn
Scarborough . Ảnh: Google |
Bằng cách củng cố vị thế trên bãi cạn Scarborough, Trung Quốc sẽ tạo ra “sự đã rồi” trước cộng đồng quốc tế. Khi đó, Mỹ và Philippines rơi vào vị thế buộc phải chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc trên Scarborough nếu không muốn đẩy tình hình tới xung đột.
Thông qua cách này, Bắc Kinh cũng tránh được áp lực từ cộng đồng quốc tế trong trường hợp PCA phán quyết bất lợi cho họ.
Tuy nhiên, bãi cạn Scarborough không phải đảo bị sóng biển và gió bào mòn. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không ngay lập tức bồi lấp quy mô lớn trên thực thể này.
Họ sẽ chỉ tạo ra một hòn đảo nhân tạo nhỏ và xây dựng trên đó một số công trình núp dưới chiêu bài phục vụ mục đích chung như đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực. Bắc Kinh cũng có thể lắp đặt các trạm radar và thông tin liên lạc trên Scarborough.
Truyền thông dẫn lời tình báo Mỹ và Australia cho thấy Trung Quốc sẵn sàng “quyết định và hành động khiêu khích”. Theo đó, Trung Quốc đã chuẩn bị xây đảo nhân tạo trên Scarborough hoặc lập vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Tuy nhiên, khả năng thứ 2 dường như chỉ mang tính biểu tượng vì Trung Quốc chưa đủ phương tiện để thực thi nó.
- Theo quan điểm của giáo sư, đâu là giới hạn của việc quân sự hóa Biển Đông mà vượt qua nó có thể thổi bùng xung đột?
- Quân sự hóa có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó có thể là đưa binh sĩ, vũ khí, khí tài tới một khu vực hoặc chuẩn bị cho cả một cuộc chiến tranh tổng lực.
Những gì diễn ra trên Biển Đông đang ở trạng thái lập lờ khi cả công trình quân sự và dân sự tồn tại trên các thực thể tranh chấp.
Chính vì thế, Trung Quốc sẽ nhấn mạnh hoạt động xây dựng trên bãi cạn Scarborough phục vụ mục đích dân sự, hỗ trợ lực lượng hải cảnh thực thi các hoạt động khẳng định cái gọi là chủ quyền. Chiêu bài này có thể khiến Mỹ khó phản ứng gay gắt.
Xung đột có thể xảy ra nếu lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, được hỗ trợ bởi các tàu hải quân, tiến hành các hoạt động đe dọa và cưỡng chế lực lượng chấp pháp Philippines.
Giáo sư
Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia , chuyên gia nhiều năm theo dõi vấn đề Biển Đông. Ảnh: Hồng Duy |
- Vì sao Scarborough đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trên biển của Trung Quốc mà Bắc Kinh mới chiếm đóng nó từ năm 2012?
- Sự việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough diễn ra sau một sự kiện không tính trước. Đó là khi Philippines cử tàu chiến áp sát một tàu cá của Trung Quốc.
Chiến hạm Philippines sử dụng thuộc lớp Hamilton được lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ hỗ trợ. Ngay lập tức, tàu công vụ Trung Quốc tiến hành các biện pháp ngăn chặn trái phép để bảo vệ ngư dân của họ.
Trung Quốc tuyên truyền rằng Hải quân Philippines sử dụng tàu chiến lớn nhất của họ để tấn công tàu cá Trung Quốc, dẫn tới việc đáp trả của Bắc Kinh. Hai bên tiếp tục đưa tàu tới bãi cạn Scarborough.
Sau đó, có tin Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã đạt được thỏa thuận về việc rút các tàu khỏi Scarborough năm 2012. Tuy nhiên, khi Philippines rút tàu, Trung Quốc không tiến hành động thái tương tự và chiếm bãi cạn.
Các hoạt động bồi lấp trên 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy việc bối lấp Scarborough dường như không nằm trong kế hoạch tổng thể của Trung Quốc. Nó chỉ là biện pháp đối phó.
- Tam giác chiến lược, bao gồm căn cứ quân sự ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng bãi cạn Scarborough có vai trò gì với Trung Quốc?
- Việc quân sự hóa bãi cạn Scarborough sẽ giúp Trung Quốc có vị trí tốt hơn để giám sát các hoạt động của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ ở Vịnh Subic. Bắc Kinh cũng có thể theo dõi hoạt động của các tàu ngầm Mỹ thông qua việc triển khai máy bay trinh sát trên không và trực thăng chống ngầm.
Vị trí bãi cạn Scarborough . Ảnh: Google |
Nếu xây dựng một sân bay sau khi bồi lấp bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh có thể ngăn chặn khả năng hoạt động của Hải quân Philippines trong khu vực.
Nếu Bắc Kinh đặt radar tầm xa, radar điều khiển hỏa lực, tên lửa đất đối không hay tên lửa chống hạm trên đảo, Hải quân Mỹ và các lực lượng khác trong khu vực sẽ nằm dưới phạm vi tấn công của Trung Quốc.
Nó cũng giúp tăng cường đáng kể khả năng hoạt động của Không quân Trung Quốc cũng như đe dọa tàu chiến nước ngoài bằng loại tiêm kích đa năng J-11, vốn không thể tiếp cận khu vực từ sân bay phi pháp trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bãi cạn Scarborough thực chất là một đảo san hô gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Bãi này cách vịnh Subic 123 hải lý (198 km) và đảo Luzon 137 hải lý (220 km) về phía tây.
Nhiều thập kỷ qua, bãi cạn Scarborough là "vườn địa đàng" đối với ngư dân Philippines. Không chỉ là một ngư trường dồi dào, vùng đầm phá ở bãi cạn giúp các ngư dân tránh những cơn bão dữ trên Thái Bình Dương.
Năm 2012, Trung Quốc dùng sức mạnh để chiếm đóng bất hợp pháp bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh cử tàu tuần duyên canh gác nghiêm ngặt ở Scarborough, vừa chặn các tàu cá Philippines, vừa tạo điều kiện để ngư dân Trung Quốc vơ vét tài nguyên.