Adam Castillejo, người mà cho đến hôm 9/3 vẫn chỉ được biết tới với biệt danh “bệnh nhân London” đã được tuyên bố khỏi HIV năm ngoái, 18 tháng sau khi ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus theo sau liệu trình lấy tế bào gốc hoặc ghép tủy xương để điều trị ung thư máu.
Người đầu tiên chữa khỏi HIV, ông Timothy Brown, cũng trải qua điều trị tương tự cho bệnh bạch cầu tủy cấp tính. Trong khi cả hai bệnh nhân Brown và Castillejo đều thực hiện hóa trị, chỉ có ông Brown trải qua xạ trị.
Trong bài báo đăng trên tạp chí Lancet HIV hôm 10/3, các nhà nghiên cứu nói rằng 30 tháng sau khi ngừng thuốc kháng virus ức chế HIV và 46 tháng kể từ khi cấy ghép, Castillejo vẫn còn trong tình trạng thuyên giảm.
Adam Castillejo, người mà cho đến hôm 9/3 vẫn chỉ được biết tới với biệt danh “bệnh nhân London” đã được tuyên bố khỏi HIV năm ngoái. Ảnh: New York Times. |
Đội nghiên cứu cho biết thêm trong suốt giai đoạn kể từ báo cáo gần nhất, họ đã thực hiện thêm các xét nghiệm sau các điều tra đối với một số phản ánh y tế, cho phép họ tìm kiếm sự hiện diện của HIV trong các mô.
Tuy nhiên, không những họ không tìm thấy bất cứ virus hoạt động có thể phát hiện được nào trong máu - tức virus có khả năng sao chép, họ còn không tìm thấy bất cứ virus nào trong dịch não tủy, ruột, tinh trùng hoặc hạch bạch huyết.
“Chúng tôi đề xuất những phát hiện này đại diện cho phương pháp chữa trị HIV-1”, nhóm tác giả của nghiên cứu khẳng định.
Đội nghiên cứu nói rằng họ tìm thấy một số dấu hiệu của ADN của virus trong các tế bào nhất định, bao gồm một số tế bào bạch cầu, nhưng chúng cuối cùng đều chết do không thể khiến virus gia tăng. Giáo sư Ravindra Gupta, thuộc Đại học Cambridge, tác giả đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Điều chúng tôi đang phát hiện là những hóa thạch virus không thể đi bất cứ đâu”.
Castillejo, 40 tuổi, lần đầu tiên công khai danh tính trong cuộc phỏng vấn với New York Times hôm 9/3. Ông tiết lộ đã sống với HIV từ năm 2003.
Năm 2012, ông được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương và sau đó được ghép tế bào gốc. Điều quan trọng là đội ngũ y tế đã chọn một người hiến tế bào gốc có hai bản sao đột biến, nghĩa là các tế bào bạch cầu của người này có thể kháng HIV, theo Guardian.
Năm 2019, phác đồ này không chỉ điều trị thành công ung thư mà còn giúp Castillejo khỏi HIV. Nhưng tại thời điểm đó, ông chọn giấu đi danh tính của mình.
"Tôi đã xem TV và nghĩ là: ‘OK, họ đang nói về mình'", ông đã nói với tờ New York Times. "Thật là kỳ lạ, rất kỳ lạ".
Castillejo cho biết nay ông quyết định tiết lộ danh tính của mình vì muốn những người bệnh khác cảm thấy lạc quan hơn. "Đây là một vị thế độc nhất vô nhị... Tôi muốn trở thành một đại sứ mang lại hy vọng".
Các nhà nghiên cứu cho biết các mô hình máy tính cho thấy 29 tháng sau khi dùng thuốc điều trị HIV, khả năng ông Castillejo không còn nhiễm HIV là gần như chắc chắn, với điều kiện hơn 90% tế bào gốc của ông trong tủy xương có nguồn gốc từ người hiến tặng. Hiện tại, khoảng 99% tế bào gốc Castillejo có nguồn gốc từ người hiến tặng.
Giáo sư Gupta nói rằng cả hai trường hợp khỏi HIV đều nêu bật lên rằng HIV có thể được điều trị bằng phương pháp điều trị ung thư ít khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, ông nói thêm, cấy ghép tế bào gốc không phù hợp với hầu hết người nhiễm HIV vì đó là phương pháp nghiêm trọng và xâm lấn chứa đựng rủi ro.
Hiện tại, các bệnh nhân sống chung với HIV có thể uống thuốc hàng ngày để giảm lượng virus trong cơ thể, từ đó ngăn virus lây lan và giúp họ sống khỏe hơn.
Giáo sư Gupta nhấn mạnh trường hợp của ông Castillejo là rất quan trọng: "Đây là trường hợp thứ hai được chữa khỏi bằng phương pháp này. Nó có nghĩa là người đầu tiên không phải một trường hợp dị thường hay ăn may".