Tại buổi họp báo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức chiều 18/10, khi được báo chí hỏi về việc đền bù cho người dân Hà Nội, ông Bùi Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) liên tục né tránh và cho rằng “công ty là nạn nhân lớn nhất”.
Ba ngày trước đó, phát ngôn tương tự cũng được ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco, đưa ra tại buổi họp của Thành ủy Hà Nội. “Công ty sẽ họp lại với nhau để xem xét rõ trách nhiệm của mình. Chúng tôi cũng là nạn nhân của sự việc”, ông Tốn nói.
Trao đổi với Zing.vn, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng những phát ngôn này vô cùng phản cảm, thể hiện văn hóa và đạo đức thị trường yếu kém của lãnh đạo Viwasupco.
Phủi trách nhiệm
Theo GS Đặng Hùng Võ, việc không xin lỗi và không thừa nhận trách nhiệm từ phía lãnh đạo công ty có thể xuất phát từ tâm lý sợ bồi thường. Doanh nghiệp này chối bỏ lỗi bằng cách nhận mình là nạn nhân hoặc thậm chí không nhận ra trách nhiệm thực sự của mình. Động thái này của công ty cũng ngầm khẳng định sẽ không có sự đền bù nào cho người dân.
Cụ thể, phía công ty có thể cho rằng khu vực đổ chất thải không nằm trong phạm vi quản lý của công ty, đơn vị hoàn toàn bị động trước sự việc và người đổ chất thải phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Cư dân tòa nhà 17T10 chiều 18/10 khi thau rửa phát hiện không khí dưới bể ngầm có mùi khét rất khó chịu, còn nước thì đen kịt. Là thợ sửa xe máy, ông Tạ Hùng cho biết mùi dưới bể khá giống với mùi dầu thải trong động cơ, còn nước bẩn bắn trên tay ông phải dùng xà phòng rửa đến 3 lần mà vẫn chưa trôi hết. Ảnh: Việt Linh. |
Nhưng ở đây, trách nhiệm của đơn vị nằm ở chỗ không thông báo cho chính quyền ngay khi sự cố xảy ra, cũng không có thông tin tới người dân mà tiếp tục cấp nước khi biết rằng nước có thể nhiễm hóa chất. Đây mới chính là yếu tố gây bức xúc cho người dân trong thời gian qua.
“Cách xử lý của công ty không thể chấp nhận được. Lãnh đạo doanh nghiệp đã thể hiện văn hóa, thậm chí là đạo đức thị trường vô cùng yếu kém khi không dám nhận trách nhiệm và xin lỗi khách hàng khi xảy ra sai sót”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định.
Vị giáo sư cho rằng sự yếu kém về năng lực xử lý khủng hoảng của công ty còn thể hiện ở chỗ cố tình bưng bít thông tin khi ông Nguyễn Văn Tốn tuyên bố nước đảm bảo chất lượng và mùi khét người dân ngửi được chỉ là clo.
Bình luận về phát ngôn này của ông Tốn, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng Viwasupco đã không minh bạch thông tin sau khi sự việc bị "vỡ lở".
Cho đến khi Hà Nội thông báo kết quả xét nghiệm nước nhiễm styren, lãnh đạo công ty lại tiếp tục giải thích rằng “nước trên nhà máy sau khi được xử lý thì không có mùi và các chỉ số giám định ở ngưỡng an toàn, nên công ty vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân”.
“Nước sạch thứ thiết yếu và liên quan mật thiết đến sức khỏe người dân, rất cần sự minh bạch thông tin. Công ty không được phép để xảy ra sự việc như vậy, chứ đừng nói là để xảy ra sau đó phủ nhận trách nhiệm”, bà An nói.
Lượng dầu đổ ra đã tràn vào khu vực thượng nguồn gần nhà máy nước sông Đà, sau đó công ty vẫn lấy nước này để đưa vào xử lý và bán ra cho người dân. Ảnh: Hồng Quang. |
Bà An cho rằng các chủ đầu tư được tạo điều kiện để kinh doanh, bán sản phẩm cho dân thì khi có sự cố, doanh nghiệp bắt buộc phải chịu trách nhiệm trước dân chứ không được né tránh, bao biện.
Vì vậy, dù chưa xác định được rõ trách nhiệm của đơn vị trong việc đảm bảo an ninh nước sạch, nhưng việc công ty cố tình bưng bít thông tin và không xử lý, thông báo kịp thời xuống người dân đã là hành vi sai trái.
“Phía công ty có quyền không đưa ra lời xin lỗi nhưng phải làm rõ chuyện đền bù cho người dân”, bà An nêu quan điểm.
Nhất định phải xin lỗi và bồi thường cho người dân
Nói về cách xử lý hậu quả sau sự việc, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho rằng phía công ty cần thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm của mình và xin lỗi người dân một cách chân thành. Điều đó sẽ xoa dịu được dư luận thay vì cố chấp chối bỏ trách nhiệm.
Cụ thể trong trường hợp này, lãnh đạo công ty có thể xin lỗi vì đã không thông báo kịp thời cho người dân, tự ý đưa ra phương án xử lý không đúng phương pháp nên gây hại cho người dân, khiến cộng đồng hoang mang.
"Lỗi nào của mình thì xin lỗi cái đó. Công ty nên thể hiện thái độ cầu tiến, tiếp thu, chấp nhận nhìn thẳng vào cái sai chứ không phải trốn tránh", GS Đặng Hùng Võ gợi ý.
Nước đóng chai trong siêu thị cháy hàng khi người dân mua về dự trữ trong những ngày bị cắt nước. |
Cùng với đó, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện dựa trên kết quả xét nghiệm nước hoặc minh chứng cho thấy sự vô trách nhiệm của công ty đã gây ra hậu quả về kinh tế, sức khỏe cho nhiều người.
Việc xử lý doanh nghiệp căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng ký với người dân và căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ thiệt hại trong suốt quá trình xảy ra sự việc. Dựa trên việc phân tích về thiệt hại, tòa án sẽ có phán quyết về trách nhiệm công ty và yêu cầu đơn vị bồi thường.
"Trong sự việc này, Công ty nước sạch sông Đà là doanh nghiệp bán sản phẩm, hơn nữa là nguồn cung cấp độc quyền. Công ty không có trách nhiệm với khách hàng, cung ra sản phẩm kém chất lượng, không có cảnh báo với người dân thì nhất định phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường theo hợp đồng thương mại", GS Võ nhận định.
Chính quyền có trách nhiệm
Nhận định thêm về động thái giải quyết sự cố của Hà Nội, GS Đặng Hùng Võ cho rằng sau sự việc này, lãnh đạo thành phố cần xem xét lại trách nhiệm của mình khi xử lý sự việc một cách bị động, chậm trễ. Trong phạm vi chính quyền, Hà Nội hoàn toàn có thể yêu cầu phía công ty đóng van xả nước để kiểm tra ngay khi người dân có phản ánh.
"Lãnh đạo thành phố có rất nhiều cách ứng xử trước sự cố để có thể đảm bảo cuộc sống cho người dân, thay vì xử lý bị động như vậy", nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT thẳng thắn.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) nhận định ngoài Công ty nước sạch sông Đà, UBND Hà Nội phải chịu một phần trách nhiệm. Theo luật sư, thành phố đã thể hiện vai trò quá "mờ nhạt, chậm chạp" khi phản ứng với sự cố môi trường nghiêm trọng.
|