Nhiều tấn dầu được đổ trộm ở đầu nguồn suối Trầm vừa qua đã gây ô nhiễm dòng nước sông Đà cung cấp cho hàng trăm nghìn hộ dân ở Hà Nội.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi Gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hậu quả vụ việc chưa được giải quyết. Người dân thủ đô bức xúc, lo lắng trong khi sinh hoạt vẫn đảo lộn.
Cá thể hóa trách nhiệm từng cá nhân
Trao đổi với Zing.vn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình, cho rằng tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có thể xảy ra sự cố. Đã gọi là sự cố tức là ngoài ý muốn, ngoài dự tính, nhưng điều quan trọng là thái độ và ứng xử của chính quyền.
"Phải tìm ra hướng xử lý nhanh nhất", ông Phương nói và nhấn mạnh thành phố phải bằng mọi cách huy động tất cả doanh nghiệp cung cấp nước, hoặc các nguồn có khả năng để cung cấp đủ cho người dân dùng.
Người dân Thủ đô 1 tuần qua chật vật vì thiếu nước, hoang mang do sử dụng nước bẩn, có mùi khó chịu. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sau đó, các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra nguyên nhân, lỗ hổng và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe và tránh sự cố tương tự. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải thường xuyên kiểm tra và nắm bắt thông tin.
"Để xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy mà không kịp thời xử lý là phải quy trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính quyền nếu không có trách nhiệm cũng cần điều tra rõ để có hình thức xử lý. Phải xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin của người dân", ông Phương nói.
Từng là giám đốc một bệnh viện, đại biểu Hà Nội Nguyễn Anh Trí bày tỏ sự bức xúc khi giữa thủ đô văn minh, trong thời đại văn minh mà để xảy ra vụ nước nhiễm bẩn trầm trọng như vậy. Điều này là không thể chấp nhận được.
Từ sự việc, ông nhận xét hoạt động cung cấp nước sạch hiện “đáng lo vô cùng”. Nguồn cung cấp nước và bán cho dân không đảm bảo, không được bảo vệ an toàn.
Với kẻ đổ dầu thải vào nguồn nước, đó là tội ác. Với phản ứng của chính quyền, ông Trí không hài lòng trước công tác xử lý chậm, không triệt để. Đơn cử việc có phương tiện hỗ trợ cấp nước sạch cho dân là xe rửa đường, khiến nước bẩn, có mùi tanh và dân lại phải đổ đi.
“Như vậy là giải quyết mang tính tình thế, chưa thực sự vì sức khỏe nhân dân và chưa có trách nhiệm cao”, ông Trí nói.
Dầu thải được đổ phía đầu nguồn khiến cả dòng nước sông Đà cung cấp cho dân bị ô nhiễm. Ảnh: Hồng Quang. |
Trong vấn đề xem xét trách nhiệm, đại biểu Trí đề nghị làm rõ lỗi và cá thể hóa trách nhiệm từng cá nhân chứ không thể nói chung chung. Ông đề xuất phải tìm được nguồn nước sạch cho dân, cần thiết thì làm một hệ thống đường dẫn nước từ ngay giữa lòng hồ sông Đà, chuyển lên xử lý sạch rồi mới cung cấp.
Bị động, loay hoay và lúng túng
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, chia sẻ bà cũng là “nạn nhân” của sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải.
“Nhận thức không đầy đủ, không lường trước được sự cố nên khi xảy ra hoàn toàn bị động và lúng túng, lại loay hoay làm nên không giải quyết nhanh và triệt để được”, bà Khánh nói.
Bà cho biết từng nhiều lần trực tiếp gọi điện đến số điện thoại cung cấp nước sạch mà thành phố Hà Nội công khai, nhưng "gọi mãi không được".
GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN&PTNT), phân tích sâu về trách nhiệm và nhấn mạnh trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ là Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), đặc biệt là những người đứng đầu doanh nghiệp.
Ban đêm, người dân thủ đô cũng phải xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt. Việc này diễn ra 1 tuần nay kể từ khi xảy ra sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu thải. |
Theo GS Vũ Trọng Hồng, đơn vị này đã phát hiện ra dầu loang ở nguồn nước nguyên liệu, nhưng không báo cáo ngay cho cơ quan chức năng.
Đặc biệt, họ còn thể hiện sự yếu kém về nhận thức khi nước bị nhiễm dầu nhưng lại cho clo vào để tẩy, trong khi một nguyên tắc đơn giản ai cũng có thể hiểu là clo không thể làm sạch dầu.
“Rõ ràng, họ không có kinh nghiệm, kiến thức xử lý sự cố. Nhưng cũng không báo cáo lên để xin ý kiến về hướng giải quyết, vẫn cố tình cung cấp nước cho hàng triệu người dân sử dụng. Đó là việc rất tàn nhẫn, đặt sinh mạng người dân dưới lợi nhuận kinh doanh”, GS Hồng nói.
Nhắc lại vụ cháy ở Rạng Đông, cho đến những thông tin ô nhiễm không khí, và nay là ô nhiễm nguồn nước sông Đà, GS Hồng cho rằng cơ chế quản lý yếu kém đang khiến người dân phải chịu nhiều rủi ro, thiệt hại.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) nhận định ngoài công ty nước sạch sông Đà, UBND Hà Nội phải chịu một phần trách nhiệm. Theo luật sư, thành phố đã thể hiện vai trò quá "mờ nhạt, chậm chạp" khi phản ứng với sự cố môi trường nghiêm trọng.
Ông lý giải một mình Viwasupco chưa đủ khả năng khắc phục sự cố do đơn vị này là doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận. Nhưng UBND Hà Nội đã thờ ơ với sức khỏe của người dân.
"Đáng lẽ khi phát hiện sự cố, ngay lập tức UBND thành phố phải có động thái quyết liệt hơn", luật sư nói và viện dẫn một số giải pháp như ngừng cấp nước toàn bộ, lấy mẫu xét nghiệm và tìm ngay nguồn nước sạch thay thế. Trong khi đó, những việc này chỉ được tiến hành sau nhiều ngày.