Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát ngôn ấn tượng trong 3 ngày chất vấn 'hỏi nhanh, đáp gọn'

Trong lần đầu áp dụng hình thức chất vấn nhanh, 250 đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi và tranh luận với các thành viên Chính phủ.

chat van ky hop thu 5 anh 1
Sáng 4/6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương tranh luận với Bộ trưởng GTVT về việc vi phạm giao thông bị bỏ qua. Ông đề nghị: "Nếu buổi trưa hôm nay Bộ trưởng không bận thì tôi mời Bộ trưởng ra đứng ở một ngã tư khoảng 10 phút, chúng ta đếm tỷ lệ vi phạm diễn ra và xử phạt". Trong khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đi vào lý giải thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Trưa nay mời Bộ trưởng ăn rồi nghỉ ngơi nghiên cứu trả lời tiếp chứ không phải ra ngã tư". Câu chốt tranh luận của Chủ tịch Quốc hội khiến nhiều đại biểu cười ồ.
chat van ky hop thu 5 anh 2
Trước báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về tên gọi trạm BOT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí tôi thấy không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy trở về tên cũ là được, đợi trình Chính phủ lâu lắm". Trước đó, tại phiên họp Chính phủ ngày 2/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép Bộ GTVT nghiên cứu thêm về tên của trạm BOT, nhưng không được gọi là trạm thu giá.
chat van ky hop thu 5 anh 3
Là người viết lịch sử ngành đường sắt, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng ngành này gần như bị “bỏ rơi”. "Phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn, có thể cắt nhỏ ra, nhiều hợp đồng còn đường sắt không những lớn mà chúng ta phải làm tổng thể. Cho nên đó là lý do làm cho chúng ta ít quan tâm đến đường sắt, không mang lại những lợi ích cho những nhóm lợi ích", ông đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
chat van ky hop thu 5 anh 4
Trước bình luận của đại biểu Dương Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định mong muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải, trong đó có đường sắt. Ông thừa nhận là đường sắt phát triển quá lạc hậu. "Tôi nghĩ đã đến giai đoạn chúng ta cần phải thông qua đề án đường sắt, chúng ta có thể thông qua với 50 tỷ USD, mỗi nhiệm kỳ chúng ta bỏ ra 5 tỷ để chúng ta hình thành nên tuyến đường sắt mới. Có như vậy trong nhiều nhiệm kỳ, chúng ta mới có được đường sắt Bắc - Nam", Bộ trưởng Thể nói.
chat van ky hop thu 5 anh 5
Rất nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà một cách gay gắt về vấn đề ô nhiễm không khí. Đại biểu Nguyễn Anh Trí dẫn báo cáo cứ 10 ngày thì người dân Hà Nội có đến 9 ngày hít thở không khí có bụi quá mức cho phép trong phần chất vấn của mình. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà không đồng tình với số liệu bởi còn phản ánh mang tính cục bộ. Các trạm quan trắc mà Bộ TNMT, Hà Nội và TP.HCM đang có chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng đến vậy.
chat van ky hop thu 5 anh 6
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về nạn xâm hại trẻ em, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn câu nói “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” để nói về vụ một cháu bé bị xâm hại ở Cà Mau đã phải tự tử. “Vụ trẻ em ở Cà Mau đã không nghe trẻ. Khi cháu tự tử mới khởi tố vụ án và nhận ra sai lầm”, ông trăn trở. Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cả nước có 17 cơ quan liên quan tới công tác trẻ em nhưng dường như những gia đình ông gặp rất đơn độc. "Tôi yêu cầu Bộ LĐTB&XH có thái độ kiên quyết hơn nữa để cùng cơ quan khác vào cuộc”, ông nói.
chat van ky hop thu 5 anh 7
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhìn nhận, việc xét xử các vụ việc xâm hại trẻ em rất khó chứng minh, nhưng cũng có những vụ không tích cực. Ví dụ như vụ việc ở Cà Mau, phải khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, dư luận lên án mới vào cuộc, nhưng khi đó thì cháu bé đã tự tử. “Đối với vụ Nguyễn Khắc Thủy phải có Chủ tịch nước có ý kiến và dư luận lên án thì cơ quan điều tra mới tích cực xem xét. Vậy những vụ mà dư luận không lên án, lãnh đạo không vào cuộc thì thế nào?”, bà Nga nói.
chat van ky hop thu 5 anh 8
Giải trình thêm vấn đề bạo hành trẻ em, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đề nghị phải có một quy trình điều tra đặc biệt, xét xử đặc biệt. Ông cũng đề nghị Ủy ban Tư pháp đứng ra làm trọng tài với các cơ quan để có một quy trình điều tra thật đặc biệt và quy trình xét xử đặc biệt hiện nay giữa cơ quan điều tra của Bộ Công an với Viện Kiểm sát tối cao. Ông cho biết việc các bên đã thống nhất quy trình để có những hướng dẫn và đang chờ có Hội đồng Thẩm phán của Tòa án thống nhất. Khi đó, quy tình điều tra các vụ việc xâm hại trẻ em không phải theo trình tự thông thường nữa.
chat van ky hop thu 5 anh 9
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết một năm số lao động mới vào thị trường và sinh viên tốt nghiệp là 700.000 người. Nhưng số sinh viên thất nghiệp là 200.000 người. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp thanh niên toàn cầu là 13%, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 11%. Do đó ông cho rằng không cần quá lo lắng về vấn đề này, nên lo lắng đến chất lượng lao động, chất lượng việc làm.
chat van ky hop thu 5 anh 10
Tham gia giải trình các chất vấn của đại biểu với Bộ trưởng LĐTB&XH và Bộ trưởng GDĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời thêm về con số 200.000 sinh viên đại học thất nghiệp. "Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nói rất kỹ số người này là số người thất nghiệp không có việc làm phù hợp hoặc không tìm được việc làm, muốn tìm việc làm mới có trình độ đại học, tính ra khoảng trên 4%, con số này tại các nước trung bình khoảng 7%. Chúng ta không có gì phải yêu cầu cứ học đại học trở lên phải có việc 100% là không đúng", ông nói. Theo Phó thủ tướng, việc có một tỷ lệ nhất định, dù học tất cả các bậc mà không có việc làm là bình thường trên thế giới, chính việc đó thúc đẩy cạnh tranh và vươn lên của các cơ sở giáo dục.
chat van ky hop thu 5 anh 11
Tranh luận với Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Đại biểu Đặng Thuần Phong nêu hàng loạt bất cập của giáo dục mầm non như phát triển không đồng đều, chất lượng không ổn định, nguồn lực đầu tư thấp... "Như vậy mà mầm non được đánh giá cao thì tôi cũng không hiểu thế nào", ông nói. Trước chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận đúng.
chat van ky hop thu 5 anh 12
Nói về vấn đề bạo hành ở các cơ sở mầm non, Bộ trưởng Nhạ khẳng định với trách nhiệm người đứng đầu, ông rất phản đối và có những chỉ đạo, kiên quyết những giáo viên này phải đưa ra khỏi ngành ngay, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra bạo hành, sẽ đình chỉ và thậm chí giải thể, đóng cửa. Chủ tịch Quốc hội thì cho rằng bạo hành trẻ mầm non có trách nhiệm của cả cộng đồng cả hệ thống chính trị ở địa phương chứ không phải chỉ mỗi Bộ trưởng.
chat van ky hop thu 5 anh 13
Đai biểu Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nhạ: "Nếu cần đúc rút một câu ngắn gọn về triết lý giáo dục Việt Nam thì đó là gì thưa Bộ trưởng?". Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Để trả lời câu hỏi này phải có một hội thảo khoa học thì Bộ trưởng mới có câu trả lời. Tôi đề nghị Bộ trưởng trao đổi thêm với đại biểu".
chat van ky hop thu 5 anh 14
Trả lời về tình trạng sốt đất ở những nơi dự kiến thành đặc khu kinh tế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng khi đầu tư hạ tầng vào khu vực nào thì theo quy luật, thị trường sẽ đổ xô vào đó, giá cả đất đai sẽ thay đổi. Chính quyền đã ban hành quy định về quản lý đất đai như cấm giao dịch nhưng người dân vẫn giao dịch ngầm, một trong số đó là người bán ủy quyền cho người mua…
chat van ky hop thu 5 anh 15
Đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của 3 đặc khu với sự ổn định về an ninh quốc phòng, vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Luật đặc khu vẫn đang được xem xét nên cần có thời gian để trả lời, do đó, Chính phủ sẽ trả lời đại biểu bằng văn bản sau.
chat van ky hop thu 5 anh 16
Nói thêm về đặc khu, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Hà Nội và TP.HCM vẫn luôn là đầu tàu, động lực của cả nước dù có đặc khu hay không. 7 vùng kinh tế trọng điểm vẫn sẽ được quan tâm để phát huy thế mạnh, làm lan tỏa các địa phương và vùng khác.  
'Sẽ báo cáo Quốc hội điều chỉnh thời hạn cho thuê đất đặc khu' Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ báo cáo Quốc hội về việc rút thời gian cho thuê đất đặc khu kinh tế, không giữ mức cố định 99 năm.

Thủ tướng nói sẽ rút thời gian thuê đất đặc khu, không giữ 99 năm

Bên hành lang Quốc hội sáng 7/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ rút thời gian cho thuê đất đặc khu kinh tế, không giữ nguyên mức cố định 99 năm.



Hiếu Công - Phượng Nguyễn

Ảnh: Quân Minh

Bạn có thể quan tâm