Vụ nổ sao khổng lồ (siêu tân tinh) xảy ra cách trái đất tới 10 tỷ năm ánh sáng. SNLS-06D4EU, tên của siêu tân tinh, có độ sáng gấp vài trăm lần so với những vụ nổ sao điển hình. Thực tế này khiến các nhà thiên văn trong chương trình Khảo sát Tàn dư siêu tân tinh - những người đã phát hiện vụ nổ - tin rằng họ đã gặp một loại siêu tân tinh mới. Họ gọi loại này là "siêu tân tinh siêu sáng", National Geographic đưa tin.
Hình minh họa một vụ nổ sao siêu lớn. Ảnh: maxisciences.com |
6 năm trước SNLS-06D4EU tồn tại dưới dạng đốm sáng mờ nhạt trong những bức ảnh mà camera có khả năng tiếp nhận tia cực tím đã chụp. Vì thế các nhà thiên văn không biết chắc nó là loại vật thể gì.
"Ban đầu chúng tôi không biết nó là siêu tân tinh hay không, và cũng chẳng biết nó thuộc dải Ngân Hà hay một thiên hà khác. Tôi từng công bố ảnh của nó trong một hội nghị khoa học để mọi người thảo luận. Tất cả họ đều bối rối, bởi không ai nghĩ rằng một siêu tân tinh có thể đạt độ sáng lớn đến thế", D. Andrew Howell, một nhà thiên văn của Đại học California và là trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Các lý thuyết hiện nay về siêu tân tinh chưa thể giải thích nguyên nhân khiến SNLS-06D4EU đạt độ sáng không tưởng. Giới khoa học tin rằng siêu tân tinh xuất hiện khi nhiên liệu trong lõi những ngôi sao cạn kiệt khiến chúng tự sụp đổ vào bên trong để biến thành sao neutron hay hố đen.
Sau đó Howell và các đồng nghiệp đã lập một mô hình phù hợp với những hình ảnh của siêu tân tinh siêu sáng. Theo mô hình này, siêu tân tinh siêu sáng hình thành từ một ngôi sao neutron có từ tính cực lớn, khiến nó có đủ năng lượng để tạo ra vụ nổ lớn gấp hàng trăm lần các vụ nổ sao điển hình.
"Ngôi sao neutron ấy đặc biệt vì tốc độ xoay của nó cực lớn. Khi nó chết, lõi của nó tiếp tục xoay nhanh hơn nữa. Cuối cùng năng lượng xoay của lõi bùng phát và tạo nên vụ nổ siêu sáng", Daniel Kassen, một thành viên trong nhóm của Howell, nhận định.
Vũ trụ mới tồn tại 4 tỷ năm khi vụ nổ diễn ra. Khi đó những thiên hà như dải Ngân Hà vẫn còn đang trong giai đoạn mới hình thành.
"Ngày nay những vụ nổ dữ dội như thế không tồn tại, nhưng chúng khá phổ biến trong thuở sơ khai của vũ trụ. May mắn thay, chúng ta có thể dùng kính thiên văn để ngược dòng thời gian và nghiên cứu những tia sáng còn sót lại từ các vụ nổ ấy. Chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ tìm thấy thêm nhiều siêu tân sinh siêu sáng khác trong tương lai", Howell nói.