HD 106906 b, tên của một hành tinh có khối lượng gấp 11 lần sao Mộc, mới chỉ tồn tại 13 triệu năm - một khoảng thời gian rất ngắn ngủi trong lĩnh vực thiên văn. Khoảng cách của nó với ngôi sao riêng gấp tới 650 lần khoảng cách trung bình giữa trái đất và mặt trời. Với khoảng cách lớn như thế, nó không phù hợp với bất kỳ học thuyết nào về sự hình thành của hành tinh, Space đưa tin.
"Hành tinh này cùng với ngôi sao của nó rất hấp dẫn, bởi mọi mô hình về hành tinh hay ngôi sao đều không thể giúp chúng ta giải thích sự tồn tại của chúng", Vanessa Bailey, sinh viên năm cuối của khoa Thiên văn, Đại học Arizona tại Mỹ, bình luận.
Hình minh họa HD 106906 b và ngôi sao của nó. Khoảng cách giữa nó và ngôi sao gấp tới 650 lần so với khoảng cách trung bình giữa trái đất và mặt trời. Ảnh: NASA |
Theo những học thuyết phổ biến nhất về sự hình thành của hành tinh, những hành tinh di chuyển gần ngôi sao, chẳng hạn như trái đất, từng là thiên thạch nhỏ quanh các ngôi sao. Sau đó chúng lấy bụi và khí từ không gian xung quanh ngôi sao để trở thành hành tinh. Tuy nhiên, học thuyết ấy không thể lý giải cơ chế ra đời của những hành tinh nằm rất xa ngôi sao riêng của chúng.
"Một giả thuyết khác cho rằng các hành tinh rất xa ngôi sao riêng hình thành theo cơ chế giống các hệ sao đôi nhỏ", Vanessa nói.
Hệ sao đôi hình thành khi hai đám khí gần nhau cô đặc riêng rẽ và tạo thành ngôi sao. Khoảng cách giữa hai ngôi sao ngắn đến nỗi chúng hút lẫn nhau và xoay quanh nhau.
"Rất có thể HD 106906 b và ngôi sao của nó ra đời độc lập với nhau, nhưng vì HD 106906 b không đủ vật chất để có thể trở thành ngôi sao, nên nó mãi mãi chỉ là hành tinh", Vanessa giải thích.
Nhưng kịch bản này vẫn chưa ổn bởi một số vấn đề. Chẳng hạn, sự chênh lệch về khối lượng giữa hai vật thể trong hệ sao đôi thường không bao giờ vượt quá 10 lần, nghĩa là khối lượng của ngôi sao lớn hơn chỉ gấp tối đa 10 lần so với ngôi sao nhỏ hơn.
"Trong trường hợp của HD 106906 b và ngôi sao riêng, sự chênh lệch về khối lượng lên tới hơn 100 lần", Vanessa nói.