Ngôi sao tự quay nhanh nhất
Các nhà khoa học vừa chế tạo vật thể tự quay nhanh nhất với 600 triệu vòng mỗi giây. Tuy số vòng tự quay vô cùng ấn tượng nhưng vật thể này siêu nhỏ. Nếu chúng ta đặt một vật thể trên bề mặt của nó, vật thể sẽ di chuyển với vận tốc 7.500 m/s, tương đương vận tốc âm thanh.
Tuy nhiên, thiên thể tự quay nhanh nhất là ngôi sao VFTS 102. Mỗi vật thể nằm trên bề mặt ngôi sao có khả năng di chuyển 440.000 m/s, tương đương 1,6 triệu km/h. Nó nằm trong tinh vân Tarantula, cách địa cầu 160.000 năm ánh sáng. Các nhà khoa học dự đoán vụ nổ siêu tân tinh của ngôi sao đồng hành khiến VFTS 102 văng mạnh vào không gian và tự quay với vận tốc cực nhanh.
Thiên hà lớn nhất
Thiên hà của chúng ta, dải Ngân Hà, trải rộng 100.000 năm ánh sáng trong không gian. Tuy nhiên, Ngân Hà chỉ là “người tí hon” so với IC 1101- thiên hà lớn nhất mà giới khoa học từng phát hiện. Nó lớn hơn Ngân Hà tới 50 lần. Nhà thiên văn William Herschel phát hiện IC 1101 từ năm 1790. Các phương pháp đo đạc hiện đại cho thấy, IC 1101 cách địa cầu một tỷ năm ánh sáng.
Trong khi đó, thiên hà xa nhất mà con người từng phát hiện là z8_GND_5296. Nó cách chúng ta 30 tỷ năm ánh sáng. Thiên hà này ra đời khoảng 700 triệu năm sau khi vũ trụ hình thành. Những gì chúng ta quan sát được ở z8_GND_5296 đã xảy ra cách đây rất lâu. Dữ liệu về nó giúp con người tìm hiểu về lịch sử hình thành của Dải Ngân hà.
Ngôi sao lạnh nhất
Giới khoa học sử dụng rất nhiều tính từ để mô tả một ngôi sao như lớn, nóng, sáng, rất nóng, rất lớn. Tuy nhiên, ngôi sao lạnh là một trong những thuật mà họ hiếm khi dùng. Các nhà khoa học phát hiện ngôi sao lùn nâu WISE 1828 2650 trong chòm sao Lyra là ngôi sao lạnh nhất với nhiệt độ bề mặt đạt 25 độ C.
Đối với con người, nhiệt độ trên bề mặt WISE 1828 2650 hoàn toàn dễ chịu. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt rất lớn nếu so sánh nhiệt độ của WISE 1828 2650 với các ngôi sao khác, bao gồm mặt trời. Nhiệt độ bề mặt mặt trời vào khoảng 5.000 độ C, nóng hơn hàng trăm lần so với ngôi sao lạnh nhất. Thuật ngữ khoa học gọi những ngôi sao không đủ năng lượng phát sáng là sao chết.
Thiên thạch lao nhanh nhất
Thiên thạch nhanh nhất tạo thành quả cầu lửa khổng lồ khi cọ sát với bầu khí quyển trái đất ngày 22/4/2012 trên bầu trời California, Mỹ. Các chuyên gia khẳng định thiên thạch lao xuống địa cầu với vận tốc 103.000 km/h, nhanh gấp gần 5 lần vận tốc của tàu con thoi và gấp đôi so với tên lửa nhanh nhất con người từng chế tạo.
Sử dụng hàng loạt dữ liệu từ hệ thống dự báo thời tiết và các thiết bị giám sát thiên thạch chuyên dụng, các nhà khoa học có cái nhìn tổng quan nhất về thiên thạch lao xuống chân đồi Sierra Nevada. Các số liệu cho thấy, tính tới thời điểm hiện tại, thiên thạch phát nổ trên bầu trời California vẫn là thiên thạch di chuyển nhanh nhất.
Ngôi sao quay nhanh nhất
Nằm trong hệ thống sao tên gọi HM Cancri, hai ngôi sao lùn trắng di chuyển cạnh nhau với vận tốc 1,8 triệu km/h. Chúng là tàn dư của 2 ngôi sao giống mặt trời nhưng cạn kiệt nhiên liệu. Hai ngôi sao này nằm cách nhau 40.000 km, tương đương 3 lần đường kính trái đất. Chúng liên tục phả hơi nóng vào nhau, tạo ra năng lượng khổng lồ, và di chuyển hết quỹ đạo trong hơn 6 phút.