Theo nhà vật lý học thiên thể Daniele Malesani thuộc Đại học Copenhagen, Đan Mạch, đây là một trong những vụ nổ mạnh nhất mà giới khoa học quan sát được từ trước tới nay, với độ sáng cực lớn.
Mô phỏng vụ nổ tia gamma siêu khủng trong vũ trụ. |
Nhiều điểm đặc biệt của vụ nổ này đã khiến giới khoa học hết sức quan tâm. Nó xảy ra cách địa cầu 3,6 tỷ năm ánh sáng, ngắn hơn một nửa so với khoảng cách thông thường của những vụ nổ tia gamma trong vũ trụ. Ngoài ra, vụ nổ cũng kéo dài kỷ lục, tới 20 giờ, lâu hơn mọi GRB mà giới khoa học quan sát trước đó.
Bên cạnh đó, cường độ sáng cực mạnh của vụ nổ cũng cho phép các nhà khoa học phát hiện một số đặc điểm khác thường khác. Ví dụ, các kính thiên văn các nhà khoa học đã phát hiện sự xuất hiện của nhiều hạt photon và các tia gamma năng lượng lớn hơn so với các mô hình lý thuyết trước đó về những vụ nổ tương tự.
Bức xạ tàn dư của vụ nổ GRB 130472A cũng rất mạnh nên các nhà khoa học có thể quan sát nó trên kính thiên văn trong nhiều tháng sau đó, thay vì chỉ kéo dài vài ngày hoặc vài tuần như các vụ nổ thông thường.
Bằng cách phân tích lượng bức xạ tàn dư này, các nhà khoa học đã tìm ra kết cấu quang phổ và đặc tính của ngôi sao phát nổ. Đó là một ngôi sao khổng lồ với khối lượng lớn gấp 20-30 lần mặt trời, nhưng kích thước chỉ lớn hơn mặt trời từ 3 tới 4 lần. Do đó nó có kết cấu rất đặc.
Các nhà khoa học cho biết các phát hiện mới này không phủ nhận hoàn toàn những lý thuyết đang tồn tại, song giới nghiên cứu cần phải thay đổi một phần hoặc chấp nhận một lý thuyết mới phù hợp với những đặc tính trên.
Vụ nổ tia gamma là những vụ nổ mạnh và dữ dội nhất trong vũ trụ. Chúng được ghi nhận lần đầu tiên vào những năm 1960. Nguyên nhân gây ra những vụ nổ này cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn đối với giới khoa học.