Một trong những phát hiện từ nghiên cứu cố tình lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên người đã chỉ ra rằng chỉ một giọt bắn chứa virus, với kích thước bằng một tế bào máu, đủ để khiến người khác nhiễm bệnh. Các phát hiện đã được công bố hôm 31/3 trên tạp chí Nature Medicine.
Các nghiên cứu này có thể gây tranh cãi vì liên quan đến việc cố tình khiến ai đó nhiễm virus hoặc các mầm bệnh khác để tìm hiểu về những ảnh hưởng của nó trên cơ thể người, theo CNN.
Ngay cả khi có các biện pháp bảo vệ an toàn, vẫn tồn tại một yếu tố rủi ro, đặc biệt là khi nghiên cứu một loại virus mới. Tuy nhiên, chúng cũng rất có giá trị trong quá trình tìm hiểu diễn biến của bệnh truyền nhiễm.
Lý do thực hiện thử nghiệm trên người
Theo tiến sĩ Christopher Chiu, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm và nhà miễn dịch học tại Imperial College London, để tìm hiểu điều đó thì không còn cách nào khác ngoài việc thực hiện những thí nghiệm như thế này.
Ông lý giải rằng thông thường, bệnh nhân chỉ được chú ý khi họ đã phát triển các triệu chứng. Do vậy, các nhà nghiên cứu có thể bỏ lỡ tất cả ngày trước đó, khi cơ thể họ đang trong giai đoạn ủ bệnh.
Nghiên cứu bắt đầu vào tháng 3/2021 với 36 tình nguyện viên trong độ tuổi 18-30. Họ chỉ được phép tham gia nếu không có bất kỳ nguy cơ nào khiến tình trạng Covid-19 diễn tiến nặng, chẳng hạn thừa cân, suy gan, thận,... Họ cũng đã ký một mẫu chấp thuận tham gia.
Nghiên cứu bắt đầu vào tháng 3/2020 với 36 tình nguyện viên. Ảnh: Nature. |
Để giảm thiểu rủi ro hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm theo từng giai đoạn. 10 tình nguyện viên đầu tiên mắc Covid-19 được dùng thuốc kháng virus Remdesivir để giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.
Các nhà nghiên cứu cũng đã chuẩn bị sẵn các kháng thể đơn dòng để đề phòng trường hợp tình trạng của họ chuyển nặng. Cuối cùng, Remdesivir được chứng minh là không cần thiết, và các nhà nghiên cứu cũng không cần phải cung cấp kháng thể cho bất kỳ ai.
Trong quá trình thí nghiệm, một giọt chất lỏng, chứa chủng virus ban đầu, được đưa vào mũi tình nguyện viên. Họ được theo dõi y tế 24 giờ/ngày và ở tại một bệnh viện ở London trong hai tuần, nơi có luồng không khí đặc biệt để ngăn không cho virus thoát ra ngoài.
Tổng cộng 18 người tham gia đã nhiễm nCoV, trong đó có 2 người không phát triển triệu chứng. Với những người có triệu chứng, tình trạng bệnh của họ cũng nhẹ, chỉ bị nghẹt mũi, hắt hơi và đau họng. Hầu hết người mắc Covid-19 trong nghiên cứu bị mất khứu giác, ít nhất ở mức độ một, trong đó có 9 người không thể ngửi thấy mùi.
Triệu chứng phổ biến này hiện đã thuyên giảm với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, sáu tháng sau khi nghiên cứu kết thúc, khứu giác của một tình nguyện viên vẫn chưa trở lại bình thường, nhưng tình hình đang cải thiện.
Giáo sư Chiu cho biết nhóm nghiên cứu đã đưa cho những người tham gia các bài kiểm tra nhận thức để kiểm tra trí nhớ ngắn hạn và thời gian phản ứng của họ. Họ vẫn đang xem xét dữ liệu đó, nhưng ông nghĩ rằng những thử nghiệm đó "thực sự sẽ mang lại nhiều thông tin”.
Cơ thể bị nhiễm bệnh như thế nào?
Không ai trong số những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu gặp vấn đề về phổi sau khi mắc Covid-19. Ông Chiu cho rằng điều này là do họ còn trẻ, khỏe mạnh và chỉ được cấy một lượng nhỏ virus. Ngoài mất khứu giác, không có triệu chứng nào khác kéo dài.
Trong những điều kiện được kiểm soát cẩn thận này, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu nhiều thông tin về virus và cách nó hoạt động trong cơ thể.
Cụ thể, lượng virus, chỉ khoảng 10 micron, trong một giọt nhỏ mà ai đó hắt hơi hoặc ho có thể khiến người khác nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, Covid-19 có thời gian ủ bệnh rất ngắn. Hai ngày sau khi nhiễm virus, người bệnh đã có thể phát tán cho người khác.
Ngoài ra, nhiều người lây truyền một lượng lớn virus, trước khi họ xuất hiện các triệu chứng. Những người bị nhiễm có thể lây truyền một lượng lớn virus mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Những người trẻ, khỏe mạnh phát tán virus trong 6,5 ngày, trong khi một số người có thể lây truyền virus trong khoảng 12 ngày.
Chỉ tiếp xúc với một lượng nhỏ viurs cũng có thể khiến cơ thể bị nhiễm bệnh. Ảnh: Scientist. |
Khoảng 48 giờ sau khi được đưa vào cơ thể, virus có thể được phát hiện ở phía sau cổ họng, và mất khoảng 58 giờ để virus xuất hiện ở khu vực mũi.
Bên cạnh đó, các xét nghiệm nhanh tại nhà hoạt động thực sự hiệu quả để phát hiện một người bị lây nhiễm.
Ông Chiu cho biết nghiên cứu của ông nhấn mạnh rất nhiều điều chúng ta đã biết về việc mắc Covid-19, đặc biệt là lý do việc che miệng và mũi khi mắc bệnh là rất quan trọng để giúp bảo vệ người khác.
Trước sự thành công của nghiên cứu này, ông Chiu dự định thực hiện nghiên cứu khác với những người được tiêm chủng và nhiễm biến chủng Delta để xem xét phản ứng miễn dịch của họ.
“Đó là điều thực sự thú vị”, ông cho biết. Khoảng một nửa số người tham gia nghiên cứu không nhiễm bệnh và không phát triển kháng thể, mặc dù nhận được chính xác cùng một liều lượng virus.
Mọi người đều được sàng lọc để tìm kháng thể đối với các virus có liên quan chặt chẽ, như virus SARS ban đầu. Giáo sư Chiu nhận định có nhiều yếu tố giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh, chẳng hạn nhiều loại protein và hệ thống bảo vệ cơ thể.
“Chúng có khả năng đã góp phần khiến cơ thể không bị nhiễm bệnh, và chúng tôi thực sự muốn tìm hiểu đó là những gì”, ông nói.
Việc hiểu rõ những yếu tố khác có thể cung cấp biện pháp bảo vệ tổng thể hơn cho mọi người trong trường hợp đại dịch xảy ra trong tương lai.