Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện thêm 2 hành tinh rất giống trái đất

Hai hành tinh cách chúng ta 40 năm ánh sáng chẳng những có bề mặt đá giống địa cầu, mà còn sở hữu bầu khí quyển đặc và nhiệt độ vừa phải.

Một số nhà thiên văn của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) sử dụng dữ liệu từ kính thiên văn không gian Hubble của Mỹ để theo dõi Trappist-1, một sao lùn siêu lạnh cách trái đất khoảng 40 năm ánh sáng và lớn gấp 8 lần mặt trời. Trước đây, giới thiên văn đã biết 3 hành tinh xoay quanh Trappist-1, song họ không biết nhiều về cấu tạo của chúng, Space đưa tin.

cap hanh tinh giong dia cau anh 1
Hình minh họa hai hành tinh trong cùng xoay quanh ngôi sao lùn lạnh Trappist-1 cách địa cầu 40 năm ánh sáng. Ảnh: NASA.

Nhờ kính Hubble, nhóm nghiên cứu phát hiện hai hành tinh gần ngôi sao hơn xoay quanh nó trong 1,5 và 2,4 ngày. Họ không đo được chính xác thời gian xoay quanh ngôi sao của hành tinh xa nhất, song ước tính khoảng thời gian ấy là 4 tới 73 ngày. Một bán cầu của cả 3 hành tinh luôn hướng về ngôi sao lùn nên nó nhận ánh sáng vĩnh cửu, còn nửa kia chìm trong bóng tối triền miên.

Julien de Wit, một tiến sĩ thiên văn của Đại học Liege tại Bỉ, đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu Trappist-1 và 3 hành tinh xung quanh nó, The Guardian cho biết. Họ nhận thấy thành phần vật chất chính của 2 hành tinh là đá. Nhưng điểm thú vị hơn là chúng cũng có bầu khí quyển đặc như trái đất, sao Kim và sao Hỏa.

"Vấn đề tiếp theo chúng tôi muốn biết là khí quyển của chúng thuộc loại nào", Julien nói.

Khả năng lớn nhất là hai hành tinh có khí quyển giống sao Kim, nghĩa là khí carbon dioxide (CO2) chiếm đa số không khí, hoặc giống khí quyển trái đất, sao Hỏa.

Nhiệt độ trên bề mặt của hai hành tinh gần sao lùn hơn cũng ở mức vừa phải, nghĩa là không quá nóng và không quá lạnh. Đây là một điều kiện cần thiết đối với sự sống.

Để có thể nghiên cứu kỹ hơn, nhóm của Julien sẽ tiếp tục sử dụng các kính thiên văn khác trên mặt đất, đồng thời phân tích dữ liệu từ các kính thiên văn trong vũ trụ.

"Với những dữ liệu từ kính Hubble và kính James Webb trong tương lai, chúng ta sẽ không chỉ biết loại khí quyển trên các hành tinh xoay quanh Trappist-1, mà còn có thể biết thành phần của từng bầu khí quyển", Julien khẳng định.

Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tìm ra hơn 1.200 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, bao gồm hơn 500 hành tinh có thể là quả cầu đá. 3 hành tinh trong số chúng có những điều kiện rất đặc biệt, khiến giới nghiên cứu hy vọng hơn về khả năng tìm ra một nơi có khả năng nuôi dưỡng sự sống. Những điều kiện đặc biệt đó bao gồm bề mặt đá, có nước ở dạng lỏng và có nhiệt độ bề mặt vừa phải.

Hành trình tới 'siêu trái đất' gần nhất

Để tới hành tinh đá gần địa cầu nhất, phi thuyền của con người phải hướng tới chòm sao Cassiopeia và vượt qua khoảng cách 21 năm ánh sáng.

Quân Vũ

Bạn có thể quan tâm