Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành tinh có 3 'mặt trời' lộ diện

Các nhà thiên văn phát hiện một hành tinh cách địa cầu khoảng 340 năm ánh sáng xoay quanh 3 ngôi sao, hiện tượng cực hiếm trong vũ trụ.

Video minh họa chuyển động của hành tinh với 3 ngôi sao Video minh họa chuyển động của hành tinh với 3 ngôi sao

Các nhà thiên văn của Đại học Arizona tại Mỹ phát hiện HD 131399Ab, tên của hành tinh cách trái đất khoảng 340 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Centaurus. Nhóm chuyên gia ước tính tuổi đời của nó vào khoảng 16 triệu năm. Nhiệt độ bề mặt của hành tinh vào khoảng 580 độ C, với khối lượng gấp chừng 4 lần sao Mộc, tạp chí Science đưa tin.

Vì HD 131399Ab di chuyển gần 3 ngôi sao nên nó có quỹ đạo dài nhất so với mọi hành tinh mà giới thiên văn từng biết. 

hanh tinh co 3 buoi hoang hon anh 1
Nếu con người đứng trên hành tinh HD 131399Ab, chúng ta sẽ thấy cảnh bình minh và hoàng hôn ba lần trong ngày. Hình minh họa: ESO.

Kevin Wagner, nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ nhất và là trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng hành tinh này cần tới 1.100 năm để xoay trọn một vòng. Trong phần lớn thời gian của năm trên hành tinh, 3 ngôi sao xuất hiện khá gần nhau trên "bầu trời" của nó.

"Do hành tinh xoay và các ngôi sao xuất hiện lần lượt trong ngày, một hiện tượng kỳ thú xảy ra: Cứ mỗi khi một ngôi sao lặn thì ngôi sao khác sẽ mọc. Vì thế ban ngày trên HD 131399Ab sẽ kéo dài gần như liên tục trong quãng thời gian nó di chuyển trên khoảng 1/4 quỹ đạo, hay 140 năm trên trái đất", Wagner nói.

HD 131399Ab là hành tinh ngoài hệ Mặt Trời đầu tiên được phát hiện bởi Sphere, kính thiên văn tiên tiến nhất thế giới có khả năng phát hiện những hành tinh xoay quanh những ngôi sao. Sphere tiếp nhận ánh sáng hồng ngoại nên nó có thể quan sát những bức xạ nhiệt từ các hành tinh mới ra đời, loại thiên thể mà kính thiên văn bình thường không thể phát hiện.

Kết quả quan sát cho thấy một ngôi sao (mang tên HD 131399A) đóng vai trò trung tâm, bởi hai ngôi sao kia (HD 131399B và HD 131399C) xoay quanh nó. Điểm đặc biệt nữa là HD 131399B và HD 131399C xoay quanh nhau. Cự li giữa hai ngôi sao này tương đương khoảng cách giữa mặt trời và sao Mộc.

Trên thực tế HD 131399 không xoay quanh cả 3 ngôi sao, mà chỉ xoay quanh ngôi sao trung tâm. 

hanh tinh co 3 buoi hoang hon anh 2
Kepler-1647b, hành tinh xoay quanh hai ngôi sao mà mà các nhà thiên văn của Đại học San Diego phát hiện hồi tháng 6. Ảnh: Lynette Cook.

Hồi tháng 6 các nhà thiên văn của Đại học San Diego tại Mỹ phát hiện một hành tinh xoay quanh hai ngôi sao nhờ kính thiên văn không gian Kepler. Đây là hành tinh lớn nhất xoay quanh hai ngôi sao mà con người từng biết. Nó cách trái đất 3.700 năm ánh sáng và có niên đại xấp xỉ 4,4 tỷ năm, gần bằng tuổi trái đất.

Ngôi sao có khả năng bay từ địa cầu tới trăng trong 5 phút

Với tốc độ lên tới 1.200 km/s, một sao lùn trắng trong dải Ngân Hà di chuyển nhanh đến nỗi nó chỉ cần 5 phút để di chuyển từ trái đất tới mặt trăng.

Quân Vũ

Bạn có thể quan tâm