Gấu nước có danh pháp khoa học là Hypsibius dujardini, thuộc ngành Ecdysozoa. Loài động vật 8 chân sống trong môi trường nước này có kích thước rất nhỏ, dao động trong khoảng 0,5-1 mm.
Sinh vật nhỏ bé này nổi tiếng với khả năng sinh tồn và phát triển trong những môi trường khắc nghiệt. Biên độ dao động mà gấu nước có thể chịu đựng được dao động từ độ không tuyệt đối đến hơn 100°C.
Bên cạnh đó, gấu nước có thể chịu được áp lực gấp sáu lần tại điểm sâu nhất của đáy biển, phóng xạ ion hóa gấp hàng trăm lần mức chết người và sống sót trong môi trường chân không.
Ngoài ra, loài động vật nhỏ bé này có thể sống thiếu nước hay thức ăn trong 10 năm, ngay cả khi lượng nước trong cơ thể thấp hơn ngưỡng 3%.
Ảnh chụp gấu nước dưới kính hiển vi. Ảnh: Getty. |
Một trong những phương pháp được gấu nước áp dụng để chống chọi trong môi trường khắc nghiệt là khả năng co lại trong trạng thái không hoạt động.
Ở trạng thái này, gấu nước có thể sinh tồn trong nhiều thập kỷ, đồng thời sản xuất protein để bảo vệ tế bào của mình.
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện một cơ chế sinh tồn khác của gấu nước. Cụ thể, loài này có khả năng hấp thụ bức xạ UV nguy hiểm sau đó giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng xanh.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Biology Letters, Tiến sĩ Sandeep Eswarappa cho biết ông và các đồng nghiệp đã phát hiện một chủng gấu nước mới trên mẫu rêu mọc trên tường của khuôn viên Viện Khoa học Ấn Độ.
Khi nhóm nghiên cứu cho chủng gấu nước mới phát hiện này, được đặt tên Paramacrobiotus BLR, cùng một chủng gấu nước khác có tên là H exemplaris, tiếp xúc trực tiếp với tia UV trong 15 phút.
Kết quả cho thấy dưới ánh sáng tia cực tím, chỉ chủng Paramacrobiotus BLR sống sót và phát ra ánh sáng màu xanh lam.
Tiến sĩ Eswarappa và các đồng nghiệp đã phủ chất huỳnh quang thu được từ mẫu Paramacrobiotus BLR lên vùng da nhạy cảm của mẫu H exemplaris và cho tiếp xúc trực tiếp với tia UV.
Thí nghiệm cho thấy chất huỳnh quang của Paramacrobiotus BLR khi được phủ lên mẫu H exemplaris đã tạo ra màn chắn bảo vệ loài này dưới tác động của tia UV.
“Một số loài có khả năng chống chịu tia cực tím, nhưng (chủng gấu nước mới phát hiện) là loài duy nhất tiết ra huỳnh quang như một cơ chế để chống lại bức xạ UV gây chết người,” tiến sĩ Eswarappa cho biết.