Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện quả tim lâu đời nhất trong lịch sử ở Australia

Các nhà nghiên cứu Australia đã phát hiện trái tim 380 triệu năm tuổi bên trong hóa thạch của một con cá sống từ thời tiền sử.

Khám phá này được đăng trên tạp chí Science, theo BBC hôm 16/9. Trái tim được tìm thấy ở miền Tây Australia, thuộc về một loài cá đã tuyệt chủng có tên là Gogo.

Các nhà nghiên cứu cho rằng mẫu vật này ghi lại giai đoạn quan trọng trong quá trình tiến hóa của cơ quan tim mạch ở các loài động vật có xương sống, bao gồm cả con người, theo BBC.

Hoa thach ca tien su anh 1

Hóa thạch của cá Gogo được tìm thấy ở miền Tây Australia. Ảnh: John Long/BBC.

Trả lời BBC, giáo sư Kate Trinajstic tại Đại học Curtin ở Perth (Australia) cho biết khoảnh khắc bà và các đồng nghiệp tìm được mẫu vật, họ nhận ra rằng họ đã có khám phá lớn nhất trong đời.

"Chúng tôi ngồi xung quanh máy tính và nhận ra rằng chúng tôi có một trái tim. Thực sự không thể tin được. Nó rất thú vị", bà nói.

Thông thường, xương sẽ biến thành hóa thạch nhưng mô mềm thì không. Nhưng tại vị trí tìm ra hóa thạch của cá Gogo, các khoáng chất đã giúp bảo tồn nhiều cơ quan nội tạng của cá như gan, dạ dày, ruột và tim.

“Đây là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của chính chúng ta. Nó cho thấy cơ thể chúng ta đã phát triển từ rất sớm, và lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy điều đó trong những hóa thạch này", giáo sư Trinajstic nói.

Kết quả nghiên cứu hóa thạch cá Gogo cho thấy trái tim của loài này phức tạp hơn dự đoán. Tim cá Gogo có hai ngăn chồng lên nhau và có cấu trúc tương tự tim người.

Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này làm cho trái tim của cá Gogo hoạt động hiệu quả hơn và là bước quan trọng biến nó từ một con cá di chuyển chậm thành một kẻ săn mồi di chuyển với tốc độ cao.

Hoa thach ca tien su anh 2

Tim cá Gogo (trái) có hai ngăn chồng lên nhau và có cấu trúc tương tự tim người. Đồ họa: BBC.

Cá Gogo là loài đầu tiên của lớp cá da phiến (placoderm) sống thời tiền sử. Đây là những con cá đầu tiên có hàm và răng. Trước khi loài Gogo xuất hiện, các loài cá khác có phần thân không dài hơn 30 cm. Tuy nhiên, các loài cá trong lớp cá da phiến có thể có chiều dài lên tới 9 m.

Các loài trong lớp cá da phiến sống trên Trái Đất trong 60 triệu năm. Chúng tồn tại hơn 100 triệu năm trước khi loài khủng long đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất.

Cá mập voi ở Maldives bị đe dọa

Hoạt động du lịch tràn lan, không kiểm soát ở Maldives đe dọa sự sinh tồn của cá mập voi, loài động vật có số lượng đang giảm mạnh trên toàn cầu.

Phát hiện cá tiền sử hiếm gặp có bộ răng như cá mập

Một con cá láng mũi dài màu đen do hội chứng hắc tố với bộ răng như cá mập đã được phát hiện tại sông Choctawhatchee, Florida, Mỹ, theo Newsweek.

Hồng Sơn

Bạn có thể quan tâm