Các nhà khoa học gọi những mặt trăng nằm ngoài Thái Dương Hệ là mặt trăng ngoại hành tinh (exomoon).
Mặt trăng vừa được tìm thấy có kích thước gần bằng Sao Thiên Vương, đồng thời là ngoại mặt trăng lớn nhất từng được phát hiện.
Các tính toán ban đầu cho thấy nó lớn hơn mọi mặt trăng từng được ghi nhận trong Thái Dương Hệ. Đây là một hành tinh khí, có nhiệt độ bề mặt khoảng 80 độ C - nằm ngoài biên độ nhiệt đủ khả năng hỗ trợ sự sống, theo Guardian.
Mô phỏng ngoại hành tinh Kepler 1625b và mặt trăng xoay quanh nằm cách Trái Đất gần 8.000 năm ánh sáng. Ảnh: Science. |
Mặt trăng khổng lồ được 2 nhà thiên văn học tại Đại học Columbia, New York, là David Kipping và Alex Teachey phát hiện sau khi phân tích dữ liệu từ gần 300 ngoại hành tinh (exoplanet) bằng kính viễn vọng Kepler.
Các ngoại hành tinh được phát hiện bằng phương pháp ghi nhận những lần ánh sáng ngôi sao trung tâm bị chớp tắt khi có hành tinh đi ngang qua (hay còn gọi là sự trung chuyển).
Kipping và Teachey phát hiện những điểm dị thường trong dữ liệu trung chuyển của một hành tinh khí mang tên hiệu Kepler 1625b. Ngoại hành tinh này lớn hơn gấp vài lần sao Mộc (hành tinh lớn nhất Thái Dương Hệ, khối lượng gấp 2,5 tổng khối lượng các hành tinh còn lại trong Thái Dương Hệ cộng lại).
Họ sau đó dành hơn 40 tiếng để quan sát ánh sáng không bình thường của Kepler 1625b, sử dụng kính viễn vọng Hubble với khả năng quan sát thiên thể mạnh gấp 4 lần kính Kepler.
Các nhà khoa học phát hiện một chấm sáng nhỏ “chạy” theo Kepler 1625b trong vòng 3,5 tiếng sáng nhất của hành tinh này vào quá trình chuyển tiếp. Điều này cho thấy “có một mặt trăng bám đuôi hành tinh”, Kipping cho biết.
Trong một đợt chuyển tiếp khác, hành tinh sáng lên sớm hơn dự đoán 1 tiếng 15 phút. Các nhà khoa học lý giải hiện tượng này xảy ra khi hành tinh và mặt trăng cùng xoay quanh một lõi trọng lực, khiến hành tinh có lúc chệch khỏi vị trí được ước tính ban đầu.
Theo Kipping và Teachey, khối lượng của mặt trăng ngoại hành tinh vừa được phát hiện chỉ bằng 1,5% Kepler 1625b, tương đương tỉ lệ giữa Trái Đất và mặt trăng của chúng ta.
Mô phỏng mặt trăng ngoại hành tinh "đuổi theo" Kepler 1625b trên quỹ đạo xoay quanh ngôi sao trung tâm. Ảnh: Science. |
Các lý thuyết ban đầu cho rằng những vệ tinh của các hành tinh được tạo ra sau khi có một vụ va chạm thiên thể lớn, khiến đất đá bay vào vũ trụ và hợp lại thành mặt trăng.
Tuy nhiên, cả mặt trăng ngoại hành tinh nói trên cũng giống như Kepler 1625b là đều có dạng khí. Điều này khiến các nhà khoa học khó giải thích được quá trình hình thành của nó.
Ông Kipping đã dành hơn 10 năm qua để săn lùng những mặt trăng xa xôi bên ngoài Thái Dương Hệ. Ông nói những lý thuyết hiện nay về quá trình hình thành mặt trăng khó có thể lý giải được kích thước khổng lồ của mặt trăng ngoại hành tinh vừa được phát hiện.