Guardian ngày 2/10 đưa tin các nhà thiên văn học phát hiện hành tinh lùn Goblin (Yêu tinh) khi đang đi tìm Hành tinh thứ 9 theo giả thuyết cho rằng có một hành tinh lớn tồn tại phía rìa ngoài Hệ Mặt Trời, khu vực được gọi là Đám mây tinh vân Oort.
Các nhà quan sát chưa trực tiếp nhìn thấy Hành tinh thứ 9. Tuy nhiên, hành tinh lùn Goblin dường như chịu ảnh hưởng từ trọng lực của vật thể khổng lồ chưa xác định. Điều này giúp các nhà thiên văn càng thêm chắc chắn về sự tồn tại của Hành tinh thứ 9.
Goblin là một hành tinh băng giá với đường kính ước tính 300 km. Nó nằm trên quỹ đạo elip thon dài. Tại vị trí gần nhất, khoảng cách của nó đến Mặt Trời lớn gấp 2,5 lần khoảng cách từ Sao Diêm Vương tới Mặt Trời.
Goblin chủ yếu chuyển động ở vùng rìa xa Hệ Mặt Trời, với khoảng cách đến Mặt Trời gấp 60 lần khoảng cách từ Sao Diêm Vương. Điều này đồng nghĩa với việc Goblin cần tới 40.000 năm mới hoàn thành một vòng quay quanh Mặt Trời.
Hành tinh lùn Goblin được cho là chịu tác động trọng lực của một vật thể lớn chưa xác định mà các nhà khoa học nghi là Hành tinh thứ 9. Ảnh: Viện Khoa học Carnegie. |
Đây là hành tinh lùn thứ 3 được tìm thấy ở vùng rìa Hệ Mặt Trời. Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện 2 thiên thể được đặt tên là Sedna và 2012 VP113. Khu vực Đám mây Oort nếu trước kia được cho là lạnh giá, tối tăm và trống không thì hiện tại có vẻ như nó chứa số lượng lớn các thiên thể lạ.
“Chúng ta giờ mới chỉ khám phá được xem khu vực bao quanh Hệ Mặt Trời trông ra sao và có thể ẩn chứa những gì”, Scott Sheppard, thành viên nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Carnegie tại Washington D.C, cho biết.
“Chúng tôi tin rằng ở khu vực bao quanh Hệ Mặt Trời phía xa có hàng nghìn hành tinh lùn. Chúng ta mới chỉ đang thấy phần nổi của tảng băng chìm”, ông Sheppard nhận định.
Điều thú vị là quỹ đạo của 3 thiên thể đã được tìm thấy dường như tập trung thành cụm, tức là chúng có thể đang chịu tác động của một thiên thể khổng lồ khác chưa xác định. Các nhà khoa học cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của Hành tinh thứ 9 với khối lượng gấp 10 lần Trái Đất.
Quỹ đạo của Goblin (2015 TG387) cùng các thiên thể khác là Sedna và 2012 VP113 trong Đám mây tinh vân Oort trong tương quan với phần còn lại của Hệ Mặt Trời. Ảnh:
Viện Khoa học Carnegie. |
Konstantin Batygin, trợ lý giáo sư trong lĩnh vực khoa học hành tinh tại ĐH Caltech, gọi những quan sát mới này “quả thực là phát hiện vĩ đại”. Ông đã có nhiều năm nghiên cứu giả thuyết Hành tinh thứ 9.
“Dù đã trải qua nhiều thế kỷ nghiên cứu, vốn hiểu biết của chúng ta về Hệ Mặt Trời vẫn chưa hoàn thiện. Khám phá này đóng góp vào những ghi chép ngày càng phong phú về các thiên thể, cho thấy tác động của Hành tinh thứ 9”.
Tên chính thức của hành tinh lùn mới được tìm thấy là 2015 TG387, theo Trung tâm Hành tinh lùn Hiệp hội Thiên văn Quốc tế. Tuy nhiên, nó có biệt danh đáng nhớ hơn là Goblin bởi nghiên cứu được tiến hành trong khoảng thời gian gần Halloween, nhà khoa học David Tholen thuộc Đại học Hawaii cho biết. Ông Tholen là một trong những thành viên của dự án quan sát.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học sử dụng kính thiên văn Subaru dài 8 m của Nhật Bản. Thiết bị được đặt trên ngọn núi lửa Mauna Kea đã ngừng hoạt động ở Hawaii. Kính thiên văn Subaru là công cụ duy nhất trên thế giới có thể cho ra những hình ảnh giúp thăm dò vùng rìa Hệ Mặt Trời, đồng thời có trường quan sát đủ lớn để phát hiện các vật thể hiếm trên bầu trời.
“Với những loại kính lớn khác, việc quan sát tương tự như nhìn qua một cái ống hút. Do đó, chúng chỉ phù hợp khi quan sát những vật thể mà bạn đã biết trước vị trí, chứ không phải để tìm ra các vật thể mới”, ông Sheppard nói.
Tháng 11, nhóm nghiên cứu sẽ bắt đầu đợt quan sát mới với hy vọng tìm được thêm nhiều thiên thể, bao gồm cả Hành tinh thứ 9 bí ẩn.