Ngày 25/7, nhóm nghiên cứu thuộc Cơ quan Vũ trụ Italy công bố kết quả nghiên cứu trên chuyên san Science (Khoa học), cho biết hệ thống radar đã phát hiện một hồ nước dạng lỏng phía dưới lớp băng ở cực Nam Sao Hỏa.
Bằng chứng về hồ nước thu thập từ hệ thống radar hiện đại được sử dụng để thăm dò dưới bề mặt và tầng điện ly, còn gọi là MARSIS. Hồ nước mới được phát hiện có đường kính 20 km và trông tương tự như các hồ nước phía dưới Greenland và lớp băng ở Nam Cực trên Trái Đất.
Hồ nằm cách bề mặt sao Hỏa 1,5 km, phía bên dưới một tảng băng nặng. Nhiệt độ trong nước là khoảng -10 đến -30 độ C.
Nghiên cứu mới cho thấy nước tồn tại trên sao Hỏa. Ảnh: Reuters. |
“Đây có lẽ là môi trường sống đầu tiên mà chúng ta tìm thấy được sao Hỏa”, nhà khoa học hành tinh Roberto Orosei thuộc Viện Vật lý học thiên thể Quốc gia Italy nói. Ông cũng chính là người dẫn đầu nghiên cứu mang tính đột phá này.
Theo các nhà khoa học, vì nằm ở phía dưới lớp băng ở cực Nam, nước ở đây đáng lẽ đã đóng băng. Tuy nhiên, các loại muối như magie, canxi và natri từng được tìm thấy trên Sao Hỏa có thể đã giúp hồ nước này tồn tại ở dạng lỏng.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa thể biết độ sâu chính xác của hồ nước do những hạn chế về kỹ thuật. Tuy nhiên, họ ước tính hồ phải sâu ít nhất gần 1 m, nếu không thì họ đã không thể tìm thấy nó.
Quá trình nghiên cứu diễn ra trong 3 năm. Các nhà khoa học sử dụng MARSIS trên phi thuyền Mars Express để quét qua bề mặt Sao Hỏa bằng xung điện từ tần số thấp. Sau khi tiếp xúc với các vật thể trên và dưới bề mặt Sao Hỏa, sóng điện từ dội lại và cho kết quả về điều kiện địa chất trên hành tinh này.
Các nhà khoa học đã phát hiện một sự tương phản trong sóng âm dưới lớp băng tương tự các hồ nước phía dưới Greenland và lớp băng ở Nam Cực trên Trái Đất.
“Bất kỳ sự giải thích nào khác về hình ảnh tương phản rõ rệt như vậy đều không vững chắc”, ông Orosei nói.
Trước đây, đã từng có nhiều nghiên cứu cho rằng trên Sao Hỏa có nước. Tuy nhiên, chưa một hồ chứa nước nào được tìm ra cho tới ngày nay.