Một con bọ cánh cứng được phát hiện đi lộn ngược ở dưới mặt nước. Đây là lần đầu tiên loài côn trùng này được ghi nhận di chuyển theo cách thức kỳ lạ như vậy, Guardian đưa tin.
Con bọ có kích thước từ 6-8 mm, được tìm thấy khi đang đi dọc bên dưới bề mặt hồ nước tại New South Wales, Australia trong tư thế lộn ngược.
Nhà nghiên cứu đã phát hiện ra bọ cánh cứng đi lộn ngược dưới bề mặt nước. Ảnh: Đại học Newcastle. |
Ông John Gould, nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle, đã tình cờ phát hiện ra loài bọ này khi nghiên cứu một loài ếch ở dãy núi Watagan, Australia.
Trong lúc tìm kiếm nòng nọc, ông bất ngờ nhìn thấy con bọ đi dọc theo mặt dưới của mặt nước như thể bị dính vào tấm kính trong suốt.
“Điều thú vị nhất là nó không chỉ có khả năng di chuyển mà còn có thể nằm yên trong khi dán chặt vào mặt dưới của mặt nước”, ông Gould nói.
Các nhà nghiên cứu tin rằng loài côn trùng này thuộc họ bọ cánh cứng Hydrophilidae.
Theo đó, con bọ có thể đi ngược dưới bề mặt của mặt nước nhờ bong bóng không khí giữa bụng của nó. Lượng không khí này giúp cung cấp một lực nổi, đủ để dính con bọ cánh cứng lên mặt nước.
“Chúng tôi cũng nhận thấy rằng loài bọ này có các đốm giống như lông ở chân giúp chúng có khả năng thu giữ nhiều không khí hơn", ông Gould cho biết.
Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết cho rằng đây có thể là hành vi tiến hóa giúp bọ cánh cứng tránh những kẻ săn mồi dưới nước.