Theo Guardian, chủng người mới này được đặt tên là Homo luzonesis (theo tên đảo Luzon), được phát hiện tại hang Callao trên đảo ở phía bắc Philippines. Những bộ xương được tìm thấy có niên đại trong khoảng 50.000 đến 67.000 năm, đó là thời điểm tổ tiên của loài người và người Neanderthals đang di cư từ châu Âu đến châu Á.
Ông Florent Detroit đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, tác giả của nghiên cứu khoa học về phát hiện này, cho rằng những chứng cứ được tìm thấy đã đưa ra những thách thức mới với những lý thuyết phổ biến về tiến hóa của loài người.
Các nhà khoa học từng cho rằng không có giống người nào rời khỏi châu Phi cho đến tận 1,5 triệu năm trước, khi những người Homo erectus - đã biết đứng thẳng và đi bằng 2 chân - bắt đầu đi tìm miền đất mới, và sau này được tìm thấy ở Tây Ban Nha, Trung Quốc và Indonesia.
Và cũng theo quan điểm phổ biến này, sau vài trăm nghìn năm không có sự kiện nào đáng kể xảy ra, tổ tiên của người hiện đại bắt đầu rời khỏi châu Phi cách đây mới chỉ 50.000 năm.
Địa điểm hang Callao trên đảo Luzon, nơi các nhà khoa học phát hiện dấu vết của giống người mới, được đặt tên là Homo luzonesis. Đồ họa: Guardian. |
"Bây giờ thì chúng ta biết đó là một lịch sử tiến hóa phức tạp hơn nhiều, với một số loài khác biệt cùng thời với Homo sapiens, giao phối giữa các loài khác nhau, rồi sự tuyệt chủng", ông Detroit cho biết.
"Homo luzonensis là một trong số những loài này, và chúng tôi đang ngày càng nghiêng về khả năng rằng khoảng vài nghìn năm trước, Homo sapiens không phải là loài người duy nhất trên Trái Đất", chuyên gia này nhận định.
Công cuộc khai quật không mang lại một bộ xương hoàn chỉnh, tất cả những gì được tìm thấy là 7 chiếc răng, 2 xương bàn tay, 2 xương bàn chân và một xương đùi. Số này được cho là thuộc về 2 người lớn và một trẻ nhỏ. Dù sao thì những dấu vết này hé lộ những thông tin thú vị về hình dáng và đời sống của Homo luzonensis.
Những chiếc răng tí hon gợi ý giống người này có thể chỉ cao hơn 1 m, và thấp hơn một giống người cổ xưa khác là Homo floresiensis - vốn được gọi là người lùn, được tìm thấy ở Indonesia năm 2004 và có cùng niên đại. Phát hiện thú vị nhất là một xương ngón chân hình lưỡi liềm, thể hiện những người này có thể vừa đi bộ vừa leo trèo trên cây.
Xương ngón chân hình lưỡi liềm được tìm thấy trong hang động, dấu hiệu cho thấy người Homo luzonesis có khả năng leo trèo. Ảnh: Callao Cave Archaeology Project. |
Hiện chưa rõ giống người mới này, cùng với những người lùn được phát hiện ở Đông Á, rời khỏi châu Phi trước người Homo erectus, hay là họ có được những đặc điểm giải phẫu mới sau quá trình tiến hóa từ Homo erectus.
Một câu hỏi khác cần phải giải đáp là họ xuất hiện ở đảo Luzon bằng cách nào, vì đây là hòn đảo chưa từng kết nối với lục địa trong suốt lịch sử hàng triệu năm. Các nhà khoa học cho rằng họ có thể đã biết sử dụng phương tiện giống bè để vượt biển, nhưng những người khác cho rằng họ có thể bị đưa lên hòn đảo do một cơn sóng thần cuốn họ đi từ nơi khác.