Quỹ khoa học quốc gia Mỹ dự kiến tổ chức họp báo ở Washington hôm 10/4 để công bố "phát hiện đột phá của dự án Event Horizon Telescope (EHT)", dự án hợp tác quốc tế được thành lập từ năm 2012. Họp báo sẽ đồng thời được tổ chức tại Brussels, Santiago, Thượng Hải, Đài Bắc và Tokyo, theo Reuters.
Dù từ chối tiết lộ chi tiết nghiên cứu, các nhà khoa học đã nêu rõ mục đích của dự án. "Nhóm chúng tôi bao gồm hơn 200 nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Và đây là dự án nhằm chụp được hình ảnh đầu tiên trên thế giới của hố đen", Sheperd Doeleman, giám đốc dự án Event Horizon Telescope, nói vào tháng 3.
Hình minh họa một hố đen siêu lớn trong vũ trụ. Đồ họa: NASA. |
Các nhà nghiên cứu của dự án nhằm vào hai hố đen siêu lớn trong vũ trụ. Hố đen thứ nhất, được gọi là Sagittarius A*, nằm ở trung tâm của thiên hà Milky Way, cùng thiên hà với Trái Đất. Sagittarius A* có khối lượng gấp 4 triệu lần Mặt Trời và nằm cách Trái Đất 26.000 năm ánh sáng.
Hố đen thứ hai, được gọi là M87, nằm tại trung tâm của thiên hà Virgo A, gần thiên hà Milky Way. M87 có khối lượng gấp 3,5 tỷ lần so với Mặt Trời và nằm cách Trái Đất 54 triệu năm ánh sáng.
Theo nhà vật lý thiên văn học Dimitrios Psaltis thuộc Đại học Arizona, nghiên cứu sẽ đưa vào kiểm nghiệm thuyết tương đối tổng quát của nhà vật lý học Albert Einstein - lý thuyết trụ cột của khoa học. Được đưa ra vào năm 1915, lý thuyết này nhằm giải thích các định luật về trọng lực và mối quan hệ của chúng với các lực tự nhiên khác.