Cơ quan Khám phá Không gian Nhật Bản (JAXA) cho hay tàu Hayabusa 2 đã "đánh bom" thiên thạch Ryugu đang di chuyển ở cách xa Trái Đất 300 triệu km bằng một thiết bị nổ, theo Guardian.
Thiết bị mang chất nổ có kích thước bằng quả bóng chày, nặng khoảng 2 kg, được thả xuống bề mặt thiên thạch Ryugu từ tàu Hayabusa 2 đang bay phía trên 500 m. Thiết bị được lập trình để phát nổ 40 phút sau khi được thả xuống, tạo ra một rãnh trên bề mặt thiên thạch.
Khi tàu Hayabusa 2 nhanh chóng rời đi để tránh va chạm với thiên thạch hay chịu tổn hại vì vụ nổ, tàu đã tung ra một camera ở phía trên địa điểm nổ, được cho là có thể ghi lại hình ảnh sự kiện.
Hiện không rõ khi nào camera sẽ có thể truyền hình ảnh về và cho phép JAXA xác định nhiệm vụ có thành công hay không.
Tàu Hayabusa 2 tiếp cận thiên thạch Ryugu. Ảnh: Reuters. |
Tàu vũ trụ Nhật sẽ quay trở lại địa điểm sau khi không còn bụi và mảnh vỡ để quan sát bề mặt thiên thạch từ phía trên và thu nhập những mẫu vật "mới nguyên" từ dưới bề mặt mà chưa tiếp xúc với ánh sáng hay bức xạ vũ trụ. Những mẫu vật này có thể là manh mối để các nhà khoa học hiểu thêm về nguồn gốc và sự hình thành của Hệ Mặt Trời.
Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một tàu vũ trụ thu thập những mẫu vật như vậy. Trong sứ mệnh "va chạm sâu" với một sao chổi năm 2005, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã quan sát được các mảnh vỡ sau vụ nổ nhưng không thu thập chúng.
"Chúng tôi đang rất hào hứng xem điều gì sẽ xảy ra khi thiết bị mang chất nổ va chạm với thiên thạch", Takashi Kubota, nhà nghiên cứu tại JAXA, nói trước khi vụ nổ xảy ra.
Tài khoản Twitter của tàu Hayabusa 2 xác nhận con tàu không gặp phải vấn đề nào trong quá trình di tản, nói thêm rằng nhiệm vụ đang "tiến triển đều đặn".
Tàu Hayabusa 2 dự kiến rời khỏi thiên thạch Ryugu vào cuối năm 2019 và mang các mẫu vật về Trái Đất vào cuối năm 2020 để nghiên cứu.