Theo CNN, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy khoảng 20 mẫu hóa thạch cá mập thời tiền sử trong Công viên quốc gia Mammoth Cave ở Kentucky (Mỹ). Bao gồm cả một chiếc đầu có niên đại 330 triệu năm với hàm răng nhe ra khỏi vách đá vôi.
Nhà cổ sinh vật học John-Paul Hodnett cho biết những con cá mập đã sống ở đây trong giai đoạn cuối của Đại Cổ sinh, thuộc thế Mississippi tại Bắc Mỹ. Tại thời điểm đó, phần lớn khu vực này được bao phủ bởi đại dương. Khi chết, xác của cá mập được bọc lại trong trầm tích và hóa thoạch thành đá vôi trong những hang động hiện nay.
Hóa thạch cá mập 330 triệu năm tuổi xuất hiện trong hang động tại Kentucky. Ảnh: CNN. |
"Bạn có thể nhìn thấy một phần hàm của cá mập, vị trí tiếp giáp với hộp sọ và phần cuối cùng của hàm răng", Hodnett mô tả với CNN. Phần còn lại kẹt trong vách đá nhưng ông ước tính nó dài khoảng 76 cm.
Bằng cách nghiên cứu răng, Hodnett xác định đầu cá mập tìm thấy tại Mammoth Cave thuộc về loài có tên khoa học là Saivodus striatus, dài khoảng 4,9 mét đến 6,1 mét, tương đương cá mập trắng thời hiện đại.
Từ trước đến nay các nhà cổ sinh vật chưa ghi nhận phát hiện nào về hóa thạch đầu cá mập vì phần sụn của chúng mềm hơn xương, khó tồn tại thời gian dài. Vì vậy đây là một khám phá đặc biệt.
Hodnett và các cộng sự chưa xác định được bao nhiêu hóa thạch cá mập có trong hang động tại Mammoth Cave.
"Đây là điều thú vị nhưng không dễ để nghiên cứu. Hang động là một môi trường rất đặc biệt, không thể phá vỡ những khối đá lớn và xâm hại điều kiện tự nhiên", nhà cổ sinh vật học này cho biết. "Rất khó mang những thiết bị phù hợp vào trong hang để khai quật chính xác các mẫu hóa thoạch”.
Sau khi khám phá trên bề mặt hang động, Hodnett ước tính đã tìm thấy hóa thạch của khoảng 150 con cá mập khác nhau, thuộc về 15 đến 20 loài.
Các nhà nghiên cứu dự dịnh trình bày chi tiết về khám phá này tại cuộc họp của Hiệp hội Cổ sinh học Động vật có xương sống diễn ra vào tháng 10.