Xác chết của hai con cá voi vây - tên khoa học là Balaenoptera physalus - được phát hiện mắc kẹt vào thân khu trục hạm HMAS Sydney khi tàu chiến này cập cảng tại căn cứ hải quân San Diego, bang California, Mỹ cuối tuần trước, CNN đưa tin.
Một trong hai con cá voi chết có thân dài khoảng 20 m. Con cá voi còn lại có chiều dài 7,5 m.
Xác cá voi vây mắc vào thân tàu chiến Australia. Ảnh: ABC News. |
HMAS Sydney là tàu khu trục tên lửa dẫn đường, dài 146,7 m, lượng giãn nước 7.000 tấn. Thân tàu chìm sâu 7,2 m dưới mặt nước. Đây là một trong những tàu chiến mới nhất của Australia và vừa được đưa vào phục vụ từ năm 2020.
Hải quân Mỹ và Australia đang phối hợp với Cơ quan Quản lý cá và đại dương của Mỹ điều tra vụ việc.
Cá voi vây là loài động vật được nhà chức trách Mỹ đưa vào danh sách nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng. Đây là loài cá voi lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau cá voi xanh.
Hiện tượng cá voi bị tàu chiến đâm phải là điều hiếm xảy ra, cựu quan chức Hải quân Mỹ Carl Schuster cho biết.
"Cá voi có thể nghe thấy tàu chiến di chuyển từ cách xa nhiều km, chúng thường tránh các con tàu sử dụng sóng âm trung tần hoặc cao tần bởi tác động tới thính lực cá voi", ông Schuster cho biết. Khu trục của Australia sử dụng thiết bị phát sóng âm cao tần.
Tuy nhiên, báo cáo của nhà chức trách Mỹ cho biết cá voi có thể bị tàu chiến đâm phải trong giai đoạn chúng đang kiếm ăn hoặc di cư ở vùng nước ven biển, đặc biệt tại những tuyến hàng hải đông đúc như ngoài khơi California.