“Chúng tôi sẽ nói tiếng Pháp trong các nhóm công tác của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU). Một số nhóm này không có hệ thống phiên dịch. Nếu có điều gì chưa rõ, chúng tôi sẽ giải thích lại điều ấy ở bên lề cuộc họp”, một nhà ngoại giao EU nói, Telegraph đưa tin ngày 7/6.
Khi Paris giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong 6 tháng đầu năm 2022, các nhà ngoại giao Pháp sẽ tổ chức các cuộc họp và nhóm công tác trọng yếu bằng tiếng Pháp, nhà ngoại giao EU này cho biết.
Theo nhà ngoại giao trên, việc ghi chép sẽ được thực hiện chủ yếu bằng tiếng Pháp và không phải lúc nào cũng có phiên dịch. Pháp cũng sẽ dành thêm ngân sách để dạy tiếng miễn phí cho những nhà ngoại giao muốn học.
Pháp từng thực hiện chính sách tương tự trong những nhiệm kỳ trước. Nhưng động thái này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nước này đang thúc đẩy tiếng Pháp với tư cách là một phần trong di sản văn hóa ở cả trong và ngoài khối EU.
Chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tìm cách tăng cường tầm quan trọng văn hóa của ngôn ngữ Pháp. Ảnh: AFP. |
Tiếng Pháp là 1 trong 3 ngôn ngữ làm việc của EU, bên cạnh tiếng Anh và Đức. Tiếng Pháp từng là ngôn ngữ chính trong giới ngoại giao EU tại Brussels (Bỉ), nơi đặt trụ sở EU. Nhưng sự mở rộng của khối EU vào năm 2004 khiến tiếng Pháp mất vị trí thống trị vào tay tiếng Anh.
Khi Anh rời đi, địa vị của thứ tiếng này có thể bị đe dọa. Năm 2020, khoảng 80% nhân viên tại Ủy ban châu Âu sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ nhất, thứ hai, hoặc thứ ba.
Ngay lúc này, thư từ viết bằng tiếng Anh do Ủy ban châu Âu gửi tới sẽ không nhận được câu trả lời.
“Khi một ủy viên (người Pháp) nhận được thư viết bằng tiếng Anh, chúng tôi sẽ chờ đợi bản tiếng Pháp rồi mới chuyển cho Paris”, một nhà ngoại giao EU dùng tiếng Pháp trả lời Telegraph.
Pháp không phải là nước duy nhất dùng tiếng mẹ đẻ để tổ chức cuộc họp Hội đồng EU, nhưng cách làm này đã mai một dần trong thời gian qua.