Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Pháp: Le Pen tranh cử với cam kết 'chống toàn cầu hóa'

Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen tuyên bố sẽ đặt "nước Pháp trên hết", học theo khẩu hiệu đã đưa Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Trong buổi tuyên bố chương trình tranh cử tổng thống tại thành phố Lyon hôm 5/2, bà Le Pen (48 tuổi), Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc, tuyên bố sẽ đánh mạnh vào "tình trạng nhập cư tràn lan", toàn cầu hóa và "chủ nghĩa cơ yếu Hồi giáo". Le Pen nói rằng bà muốn tạo ra một quốc gia "không nợ nần ai điều gì".

AFP cho biết ứng viên tổng thống Pháp ca ngợi quyết định của người Anh về việc rời EU và kêu gọi người Pháp hãy học tập những người Mỹ đã bầu cho Trump, gọi đó là những người "đặt lợi ích dân tộc lên trên hết".

lanh dao cuc huu tranh cu o Phap anh 1
Marine Le Pen được xem là đại diện cho phong trào dân túy đang trỗi dậy ở châu Âu. Ảnh: Getty.

Bà Le Pen so sánh toàn cầu hóa với chế độ nô lệ, miêu tả quá trình này là "sản xuất với những nô lệ và mang sản phẩm bán cho người thất nghiệp". Bà tuyên bố đảng Mặt trận Quốc gia "sẽ chăm người dân địa phương, không phải toàn cầu".

Kể từ khi thành lập đến nay, Mặt trận Quốc gia đã là đảng cực hữu mang chủ nghĩa dân tộc, chống toàn cầu hóa, chống EU.

Trong buổi vận động tranh cử ở Lyon, bà Le Pen hứa sẽ "giải thoát nước Pháp khỏi sự chuyên chế của Brussels". Nếu bà trở thành tổng thống và EU không chấp nhận cải tổ ở quy mô lớn, Le Pen hứa sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về chuyện rút Pháp khỏi khối này.

Hôm 3/2, một người đàn ông cầm dao tấn công một nhóm binh lính tại bảo tàng Louvre (Paris) và hét lên "Allah Akbar", khẩu hiệu của các tín đồ Hồi giáo có nghĩa "Thượng đế vĩ đại". Sự kiện tiếp tục làm dấy lên tranh cãi về an ninh, đạo Hồi và người nhập cư tại Pháp.

"Chúng tôi sẽ không để người dân Pháp làm quen với việc sống cùng khủng bố", Le Pen tuyên bố và hứa tăng mạnh ngân sách chi cho việc thiết lập luật lệ và trật tự. Ứng viên này từng so sánh việc người Hồi giáo quỳ xuống cầu nguyện trên các đường phố của nước Pháp như một cuộc xâm lăng của phát xít.

Có mặt trong đám đông bên dưới, Gregoire Laloux, một sinh viên 21 tuổi, cho biết: "Những điều bà ấy nói về lòng yêu nước thật hấp dẫn, định nghĩa của bà ấy về bản sắc, văn hóa Pháp và mong ước đưa nước Pháp trở lại làm một siêu cường quốc tế".

Tuy nhiên, AFP nhận định hội trường nơi diễn ra buổi vận động tranh cử của Le Pen vẫn còn ghế trống, trái với khán phòng 8.000 chỗ chật kín trong sự kiện của đối thủ Emmanuel Macron tại cùng thành phố. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Le Pen sẽ vượt qua vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào ngày 23/4 nhưng sẽ thất bại ở vòng 2 ngày 7/5.

lanh dao cuc huu tranh cu o Phap anh 2
Emmanuel Macron từng là một nhà đầu tư và cựu bộ trưởng kinh tế, công nghiệp và các vấn đề kỹ thuật số từ năm 2014-2016. Ảnh: AFP.

Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng kinh tế Pháp, hiện là ứng viên nặng ký cho vị trí tổng thống. Hầu như vô danh trong mắt công chúng cách đây 2 năm, ứng viên 39 tuổi này được xem là "ngôi sao" đang lên trong kỳ bầu cử năm nay. Theo Guardian, ông miêu tả mình là một người "không tả không hữu". Trái với Le Pen (theo các tuyên bố của bà), Macro ủng hộ tự do kinh tế nhưng cũng hứa sẽ đảm bảo các chính sách xã hội.

Vợ của Macron từng là cô giáo tiếng Pháp của ông và hơn chồng 20 tuổi.

Donald Trump và làn sóng dân túy toàn cầu

Trước khi thế giới chấn động vì Trump chiến thắng bầu cử, người dân nhiều nước đã bất chấp can ngăn từ các chính trị gia và học giả để bỏ phiếu cho các phong trào dân túy.

Những hệ quả địa chính trị từ sự kiện Brexit

Phơi bày sự chia rẽ giữa các nước lớn về toàn cầu hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch mở rộng về phía đông của EU là những hậu quả điển hình của việc Anh lựa chọn rời EU.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm