Người dân Anh đã lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 43 năm gắn bó. Sự kiện Brexit ngay lập tức gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, chính trị và quân sự cho cả Anh, EU cũng như toàn thế giới. Ảnh hưởng từ sự kiện Brexit không chỉ gây ra những hậu quả trước mắt mà còn làm đảo lộn những kế hoạch dài hạn của EU cũng như Hiệp ước Quân sự bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Anh là thành viên.
Nhà phân tích Nikolas K. Gvosdev – thành viên cao cấp trong Chương trình Á – Âu, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ đã nêu 4 hậu quả địa chính trị lớn từ sự kiện Brexit.
Đảo lộn chiến lược của NATO
Ông Gvosdev cho rằng, sự kiện Brexit sẽ làm thay đổi cơ bản nội dung Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại Warsaw, Ba Lan. Hội nghị nhằm vực dậy liên minh cạnh tranh với sự hồi sinh nước Nga ở phía đông, chứng minh cam kết của châu Âu đối với những hành động của điện Kremlin.
Kế hoạch mở rộng NATO/EU về phía đông đang gặp trở ngại lớn sau sự kiện Brexit. Đồ họa: Linkedin |
Người Anh không bỏ phiếu để rời NATO, cũng không có dấu hiệu cho thấy một sự kiện “Nexit” (Anh rời NATO) sắp tới. Nhưng việc Anh rời EU đang hình thành nên hai xu hướng ở châu Âu. Đầu tiên là sự do dự của các nước Tây Âu không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột nếu có ở phía đông lục địa – nơi vốn là lãnh thổ của Liên Xô trước đây.
Thứ 2 là khơi dậy sự phân chia kéo dài trong liên minh. Một số thành viên NATO trong EU quan tâm nhiều hơn để đối phó với mối đe dọa xuyên Địa Trung Hải mà không muốn bị lôi kéo vào trò chơi địa chính trị Á – Âu.
Thất bại trong kế hoạch mở rộng EU
Sự kiện Brexit là một dấu hiệu cho thấy “sự bất lực và mệt mỏi” trong việc tiếp tục mở rộng EU – NATO về phía đông. Việc mở rộng này khiến các vấn đề giữa Nga với các nước láng giềng phía Đông trở thành vấn đề của châu Âu.
Hà Lan đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về Hiệp ước Liên minh châu Âu - Ukraine. 61% người dân Hà Lan phản đối, trong khi chỉ có 32,2% ủng hộ.
Trong khi đó, Thượng viện Pháp tổ chức cuộc biểu quyết để nâng lệnh trừng phạt đối với Nga đã dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ giới chính trị Pháp. Mặt trận Quốc gia Pháp do nữ chính trị gia Marine Le Pen dẫn đầu, hay đảng Độc lập Vương quốc Anh do chính trị gia Nigel Farage lãnh đạo đều cho rằng, tham gia vào cuộc tranh chấp “Nga – Ukraine” không đem lại lợi ích cho các nước này mà còn làm hỏng mối quan hệ song phương với Moscow.
EU áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và cáo buộc Moscow hậu thuẫn cho phe ly khai ở Ukraine. Nhưng các lệnh trừng phạt cũng đang gây ra những hậu quả kinh tế cho chính EU.
Rõ ràng, sự kiện Brexit đã làm tăng vị thế nhóm “Hoài nghi châu Âu”. Những người ủng hộ Brexit muốn nâng cao lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của EU, và mong muốn chấm dứt các lệnh trừng phạt gây tranh cãi.
Chia rẽ về toàn cầu hóa
Sự kiện Brexit là một biểu hiện mới nhất về sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các chính trị gia và giới kinh doanh về các cam kết toàn cầu hóa.
Đa số người dân tin rằng, an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia không được phục vụ bởi sự suy giảm chủ quyền và các rào cản (đặc biệt là về thương mại và di cư) trong các liên minh kinh tế.
Nhóm ủng hộ Brexit lập luận rằng, các cam kết quốc tế của quốc gia đang làm mất đi lợi ích của các công dân bình thường. Brexit đang tạo nên làn sóng trong cử tri các nước tin rằng, lợi ích quốc gia nên đặt trên lợi ích quốc tế.
Brexit đang khơi dậy làn sóng phản đối toàn cầu hóa. Ảnh minh họa: Huffpost |
Thất bại về chính trị
Trong năm 2014, ông David Rothkopf – giám đốc điều hành tập đoàn FP (cơ quan chủ quản của tạp chí Foreign Policy) từng nhấn mạnh rằng trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Yale rằng: “Chính sách ngoại giao không phải là một cuộc trò chuyện. Các nhà nhà lãnh đạo dường như chỉ bình luận về các vấn đề quốc tế mà không cân nhắc về các động thái tiếp theo”.
Brexit đã được đưa ra thảo luận trong 2 năm để thực hiện. Trong các xu hướng dẫn đến kết quả ngày hôm nay có thể được thay đổi nếu các nhà lãnh đạo Anh có chính sách phù hợp. Ông Gvosdev tin rằng, Brexit là một thất bại chính trị nghiêm trọng của Thủ tướng David Cameron – người đã từ chức sau khi Anh rời EU.
Thủ tướng Anh David Cameron (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc gặp. Ảnh: Getty |
Có một niềm tin rằng, nếu Anh có một nhà lãnh đạo với tài hùng biện như Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tìm ra một chiến lược thay thế lâu dài. “Chúng ta đang nhìn thấy ngày càng nhiều chính sách mang tính phản ứng để đối phó với các cuộc khủng hoảng chứ không phải là một cách tiếp cận chủ động hơn trong việc định hình môi trường địa chính trị”, ông Gvosdev lập luận.
Các ưu tiên chiến lược hiện nay của Mỹ là nâng cao vị thế của châu Âu như là một “nhà cung cấp” các giải pháp an ninh để giảm bớt gánh nặng cho Washington. Sự kiện bán đảo Crimea được xem là phát súng đầu tiên, tiếp đến là cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Brexit có thể là cuộc tấn công thứ 3 thách thức khả năng xữ lý khủng hoảng của EU.
Nhà phân tích Gvosdev cho rằng, việc Anh rời EU cũng là một thất bại chính trị đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc giữ Anh ở EU được xem là lợi ích quan trọng đối với Mỹ.