Năm 2016, hàng triệu người trên thế giới đã đi bỏ phiếu và tạo nên những cuộc bầu cử vô cùng bất ngờ. Anh quyết định dứt áo khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau hơn 40 năm gắn bó. Cử tri Colombia từ chối thỏa thuận hòa bình của chính phủ với quân nổi dậy FARC.
Cú sốc lớn nhất của thế giới có lẽ xảy ra ở xứ sở cờ hoa, khi tỷ phú Donald Trump đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton để trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Tương tự, năm 2017 cũng xuất hiện nhiều cuộc bầu cử có thể tác động lớn đến tình hình thế giới.
1. Bầu cử tổng thống Pháp
Pháp đang đi đầu trong cuộc chiến với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại châu Âu.
Các cuộc tấn công ở Paris và Nice đang thúc đẩy chủ nghĩa dân tuý tại Pháp. Diễn biến này có lợi cho bà Marine Le Pen, người đứng đầu Mặt trận dân tộc Pháp.
Bà Marine Le Pen chủ trương đưa Pháp ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: AFP. |
Trang Express của Anh hồi tháng 9 đưa tin nếu trúng cử tổng thống Pháp vào năm tới, bà Le Pen tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý "Frexit" về việc Pháp có ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không.
Le Pen có xu hướng muốn Pháp độc lập hơn với EU và nếu bà thắng cử, nền tảng của Liên minh châu Âu có nguy cơ bị đe doạ nghiêm trọng.
Một đối thủ nặng ký của bà Le Pen là ông Francois Fillon với chủ trương thân thiện với Nga và cải cách toàn bộ nền kinh tế Pháp. Dù ai là người chiến thắng trong cuộc đua vào tháng 4 tới, nước Pháp được cho sẽ có những chính sách rất khác.
2. Bầu cử Đức
Thủ tướng Đức Angela Merkel là "trụ cột" của EU và là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Nếu bà Merkel và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) thất bại trong bầu cử sắp tới, đó sẽ là một cú đòn lớn giáng vào EU.
Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel đang bị chỉ trích vì cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu. Đây là cơ hội cho đảng Cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) vốn đang giành ưu thế mạnh trong các cuộc bầu cử khu vực kể từ khi thành lập vào năm 2013.
Theo Politico, AfD đã giành được ghế tại 10 trên 16 nghị viện của các tiểu bang tại Đức để trở thành một ứng cử viên trong cuộc bầu cử Liên bang sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Bà Merkel vẫn được kỳ vọng sẽ giành thắng lợi trong cuộc đua này, song có ý kiến cho rằng bà sẽ thất bại trước Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble, một chính trị gia uy tín tại Đức.
3. Bầu cử ở Hà Lan
Các cuộc bầu cử ở Hà Lan có thể là dấu hiệu báo trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cực hữu trên toàn châu Âu, nếu Geert Wilders giành chiến thắng.
Ông Geert Wilders là minh chứng rõ nét của chủ nghĩa dân túy cực hữu tại châu Âu. Ảnh: Dailymail. |
Ông Wilders là lãnh đạo đảng Tự do đang gây tranh cãi ở Hà Lan. Ứng viên này đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước thềm tổng tuyển cử. Ông Wilders, một nghị sĩ chống Hồi giáo, từng cam kết đóng cửa các thánh đường, cấm kinh Koran và tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của nước này.
4. Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc
Đại hội đảng lần thứ 19 ở Trung Quốc được cho là kỳ đại hội định hình hướng đi của Trung Quốc trong 5 năm tiếp theo.
Khoảng 11 trong số 25 thành viên thuộc Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ được thay thế sau kỳ đại hội này. Quan trọng hơn, 5 trong số 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, những người đưa ra quyết sách cuối cùng của toàn bộ đất nước, dự kiến sẽ được thay thế.
Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19 sẽ vạch ra đường lối phát triển của Trung Quốc trong 15 năm tới. Ảnh: Xinhua. |
Trung Quốc hiện có ảnh hưởng ngày càng tăng trên chính trường thế giới trong khi ông Donald Trump có thể khiến Mỹ trở nên biệt lập hơn. Sau nhiều năm phát triển mạnh, kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu trì trệ.
Những ảnh hưởng của nền kinh tế cũng như chính trị tại Trung Quốc sẽ có tác động vô cùng to lớn đối với tình hình thế giới.
5. Bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc
Vụ bê bối của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cùng người bạn thân là lý do cuộc bầu cử tổng thống diễn ra sớm hơn dự kiến.
Hiện nay, bà Park đang bị đình chỉ chức vụ và trong quá trình chờ luận tội. Nếu Tòa Hiến pháp Hàn Quốc đồng ý phế truất tổng thống, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày sau đó.
Tổng thống Park Geun-hye xin lỗi trong nước mắt vì bê bối bạn thân làm rúng động chính trường Hàn Quốc. Ảnh: Japan Times. |
Ở một kịch bản khác, nếu không bị phế truất, bà Park được cho là sẽ từ chức do sức ép từ các chính đảng và tỷ lệ người ủng hộ bà đang ở mức cực thấp: 4%.
Theo Reuters, các cuộc thăm dò dư luận cho biết ông Ban Ki Moon, người từng giữ chức tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đang là lựa chọn hàng đầu của người dân Hàn Quốc. Ông Ban Ki Moon chưa tiết lộ bất cứ điều gì về khả năng tranh cử trong năm tới.
Người Hàn Quốc đang cần một lãnh đạo mới có khả năng hàn gắn những chia rẽ sâu sắc sau vụ bê bối chấn động vừa qua.
6. Bầu cử Iran
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hiện đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ phía những người theo đường lối cứng rắn do ông định tái tranh cử vào tháng 5.
Nhiều người phản đối ông Hassan Rouhani do những đường lối thiếu cứng rắn. Ảnh: Reuters. |
Kết quả bầu cử được cho sẽ định hình tương lai chính sách ngoại giao của nước này, tác động tới Trung Đông, cũng như các khu vực khác của thế giới.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Tổng thống Rouhani với Mỹ và các cường quốc nhóm P5+1 đã khiến phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran. Ông Rouhani tuyên bố sẽ không để Donald Trump xóa bỏ thỏa thuận.
7. Tổng tuyển cử Thái Lan
Sau cuộc đảo chính năm 2014, chính phủ quân sự Thái Lan cam kết sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2017, bất chấp nhiều nghi ngờ và đồn đoán.
Theo Reuters, người Thái đang mong muốn một cuộc tổng tuyển cử bầu ra chính quyền mới thay thế chính quyền quân đội hiện tại. Dù chính phủ quân đội bày tỏ ý định không duy trì chế độ, các nhà quan sát cho rằng bản Hiến pháp mới vẫn tạo điều kiện cho phe quân đội can thiệp vào công việc của nhà nước.
Lời hứa về tổng tuyển cử của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã bị bỏ qua nhiều lần kể từ đảo chính năm 2014. Ảnh: EPA. |
Tuy vậy, đường đến cuộc tổng tuyển cử này vẫn còn xa vời. Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan cần khoảng 10 tháng để hoàn thành bộ luật, sau đó đức vua mới sẽ thông qua Hiến pháp. Các đảng phái chính trị cần 5 tháng chuẩn bị cho tổng tuyển cử.
Ngày 4/1, Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan khẳng định tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong năm 2017.