Tháng 10/2016, một "phiên bản khác" của Trump đắc cử và trở thành thị trưởng của Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil. Ông là Joao Doria, ngôi sao truyền hình thực tế của chương trình The Apprentice phiên bản Brazil.
Hãng AP gọi chiến thắng của ông "là cái tát vào mặt tổng thống và đảng cầm quyền". Suốt chiến dịch tranh cử, ông Doria luôn nhấn mạnh: "Tôi không phải chính trị gia. Tôi là một doanh nhân. Hãy tin rằng tôi sẽ là nhà quản lý giỏi. Tôi đã đánh bại rất nhiều chính khách trong cuộc bầu cử này".
Tại Guatemala, vua hài James Morales cũng chiến thắng và trở thành tổng thống quốc gia này từ tháng 1/2016.
Làn sóng dân túy trên thế giới từ Á đến Âu
Tại Đông Nam Á, ông Rodrigo Duterte sau khi trở thành tổng thống Philippines luôn có những phát ngôn và hành động khiến nhiều người choáng váng. Ngoài chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy quy mô lớn gây tranh cãi, ông Duterte không ngần ngại xúc phạm nguyên thủ các nước.
Tuy nhiên, những cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của người dân dành cho Duterte rất cao, luôn trong khoảng 90%. Tại cuộc bầu cử, những cam kết mạnh mẽ và lời nói thẳng đến bỗ bã của Duterte giúp ông giành chiến thắng áp đảo gần 40% phiếu bầu.
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu ở Pháp và ông Nigel Farage là người ủng hộ chiến dịch Brexit (hàng trên từ trái sang). Thị trưởng Joao Doria của Brazil và Tổng thống Duterte của Philippines (hàng dưới từ trái sang). Ảnh: AFP
|
Tại Anh, các cử tri (chủ yếu là người lớn tuổi) mặc kệ hàng loạt cảnh báo từ lãnh đạo của họ và những chuyên gia để bỏ phiếu dẫn đến việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu EU.
Tuy nhiên, đỉnh điểm của làn sóng dân túy chính là việc tỷ phú Donald Trump từ người ngoại đạo của thế giới chính trị lên đỉnh quyền lực ở Mỹ và thế giới. Phong trào này không bắt đầu ở Mỹ và chắc chắn sẽ không kết thúc ở đây. Nó sẽ thúc đẩy nhiều chiến thắng hoặc kết cục không thể ngờ tới ở các quốc gia khác, thay đổi trật tự thế giới hiện hành.
"Thành công sẽ dẫn tới thành công. Mọi người đều rất nhạy cảm vào thời điểm này. Xu hướng như vậy đang dần phổ biến", Mark Leonard, giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) nói với Washington Post.
Cho đến khi những diễn biến chấn động xảy ra ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa dân túy thì người dân sẽ vẫn tin vào lời rêu rao rằng sự cứng rắn sẽ vượt qua pháp quyền, hành động đơn phương thay vì hợp tác, lợi ích của đa số vượt lên quyền lợi của các nhóm thiểu số.
"Thế giới của họ đang sụp đổ. Thế giới của chúng ta đang được dựng xây", Florian Philippot, cố vấn cao cấp của nhà lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen, tuyên bố sau chiến thắng của ông Trump.
Phong trào 'Mùa xuân Yêu nước'
Nguyên nhân chính xác của làn sóng dân túy khác biệt ở từng quốc gia nhưng vẫn có những điểm tương đồng chung. Đó là sự bức xúc về lợi ích kinh tế chỉ dồn cho một nhóm nhỏ và mặc kệ phần lớn dân số; những tác động văn hóa khi thế giới ngày càng gắn kết với nhau; sự chán ghét tầng lớp lãnh đạo đứng về phía người giàu và xa lánh tầng lớp lao động.
Trong những tháng tới, Bloomberg dự đoán thế giới tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của phong trào dân túy qua những cuộc bầu cử ở Hà Lan, Áo, Đức và Pháp.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Pháp dự kiến diễn ra mùa xuân năm sau, bà Le Pen có thể đưa nước mình vào danh sách các quốc gia đã nghiêng về chủ nghĩa dân túy.
Và trước khi người dân Pháp kịp làm điều này, Áo có thể trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây Âu bầu lên nguyên thủ là người của phe cực hữu trong tháng tới.
Người dân bầu cho Trump vì mong muốn sự thay đổi. Ảnh: AP. |
"Người dân đã phát ngán và mệt mỏi vì những chính trị gia không muốn lắng nghe tâm tư của họ. Họ lo lắng về nhập cư gia tăng, sự mất kiểm soát của luật lệ và trật tự, tiền thuế thì đẩy ra đầu tư ở nước ngoài trong khi nhu cầu nội địa gia tăng, các thỏa thuận thương mại ảnh hưởng đến việc làm trong nước", Greet Wilders, Chủ tịch đảng cực hữu Vì tự do của Hà Lan, nói với USA Today.
Wilders khẳng định: "Chúng ta đang chứng kiến một phong trào 'Mùa xuân Yêu nước', cả ở Mỹ và châu Âu. Chiến thắng của Trump chứng tỏ sự thay đổi là điều có thể xảy ra".
Oscar Vidarte, nhà khoa học chính trị tại trường Pontifical Catholic University of Peru (PUCP), nhận định ông Trump đại diện cho hình tượng dân túy truyền thống ở Mỹ Latin về những nhà lãnh đạo cứng rắn có xu hướng chuyên quyền. "Tuy nhiên, những nhân vật này được ủng hộ lớn ở Nam Mỹ do các cơ quan công quyền yếu kém. Tình hình ở Mỹ có nhiều điểm khác biệt", ông Oscar Vidarte nói.
Còn ông Leonard thì cho rằng người dân không quá quan trọng việc ứng viên đại diện có thể chung nhóm với tầng lớp gây bức xúc, "miễn là anh ta bày tỏ ý định thay đổi". Nhận định này chính xác trong trường hợp của Trump. Xuất thân là con trai tỷ phú và được học hành tại đại học hàng đầu của Mỹ, ông chiến thắng lớn nhờ nhóm cử tri ở nông thôn và những người học vấn thấp.
Bài học của Đức
Điển hình đắt giá nhất về chủ nghĩa dân túy chính là nước Đức, nơi cuộc bầu cử mà người dân bị cuốn hút bởi nhà lãnh đạo độc tài đã mang lại thảm họa cho cả thế giới. Sau giai đoạn Đức Quốc xã, thể chế chính trị hậu thế chiến của Đức đã khẳng định bảo vệ quyền lợi của phe thiểu số và ngăn cản áp đảo từ phe đa số.
Tuy nhiên, làn sóng tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan gần đây cùng với khủng hoảng người tị nạn ồ ạt đổ vào châu Âu đang thử thách ý chí của người dân nước này.
Đảng Một giải pháp khác cho nước Đức (AfD) thành lập từ năm 2003 đang nhận được nhiều ủng hộ về quan điểm chống người Hồi giáo. Dường như "tiếp tay" thêm cho đảng này, nhà chức trách Đức đã tiến hành hàng loạt vụ bắt giữ những nghi phạm cực đoan giả dạng người tị nạn để đến Đức.
Khi cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm tới, đảng AfD ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ cử tri (khoảng 16%). Thành phần cử tri nòng cốt của đảng này chủ yếu là những người Đức "sợ tất cả", từ người nước ngoài đến toàn cầu hóa.
Một số chuyên gia tin rằng cách hiệu quả nhất để ngăn chặn làn sóng dân túy chính là để những người được bầu lên thể hiện năng lực lãnh đạo. "Họ sẽ không thể làm tốt", ông Leonard nói.