Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo vệ hiệu sách truyền thống, Pháp tính thêm phí mua sách trực tuyến

Pháp tính thêm phí bổ sung với các đơn đặt sách trực tuyến nhằm đảm bảo quyền lợi giữa các hiệu sách và hệ thống bán lẻ online.

chinh sach khuyen doc anh 1

Một tiệm sách tại thành phố Paris, Pháp. Ảnh: Kevin Adams.

Kể từ ngày 7/10 tới, với mỗi đơn hàng đặt sách trực tuyến có giá trị dưới 35 euro, người dân Pháp sẽ phải trả thêm khoản phí 3 euro. Động thái này nhằm thúc đẩy doanh thu của các hiệu sách độc lập tại Pháp, ước tính có khoảng 3.500 cửa hàng.

Hiện tại, các đơn đặt hàng sách trực tuyến có phí vận chuyển chỉ 0,01 euro. Mức giá này đã được giảm trừ nhờ một chính sách hỗ trợ từ thời gian đất nước phải phong tỏa vì Covid-19.

Giải thích cho quyết định tăng giá trên, Bộ Tài chính và Văn hóa Pháp đã thảo luận và đưa ra công bố chung rằng: "Chính sách này giúp ngành sách thích ứng với kỷ nguyên kỹ thuật số bằng cách khôi phục trạng thái cân bằng giữa hiệu sách và nền tảng thương mại điện tử lớn, nơi cung cấp dịch vụ giao sách gần như miễn phí cho bất kỳ số lượng đặt hàng nào. Trong khi đó, các cửa hàng không thể đáp ứng được mức giá giao hàng này".

Khoản phí 0,01 euro sẽ được giữ nguyên đối với các đơn đặt hàng trên 35 euro. Việc thực hiện tăng chi phí vận chuyển bắt buộc đối với các đơn đặt hàng nhỏ được kỳ vọng sẽ khuyến khích mọi người mua sách trực tiếp, thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho các cửa hàng độc lập.

Về phía Amazon, gã khổng lồ ngành bán lẻ trực tuyến lại nhận định việc tăng giá vận chuyển của Pháp là không cần thiết và có thể tác động đến mức lạm phát ở một số mặt hàng tại nước này. “Việc đưa ra mức phí vận chuyển như hiện tại sẽ làm tăng chi phí mua sách trực tuyến và ảnh hưởng đến sức mua của độc giả. Đặc biệt là những người sống xa các điểm bán hàng thực tế và không có lựa chọn thay thế”, đại diện công ty tuyên bố.

Tuy nhiên, đối với Pháp, các hiệu sách độc lập đã tham gia vào việc kiến tạo nên không gian văn hóa từ rất lâu trước đó. Chúng được coi là một phần của di sản văn học phong phú và hưởng lợi từ một số biện pháp bảo vệ của chính phủ Pháp ban hành trong những năm qua. Chẳng hạn điều luật Lang năm 1981, quy định mức chiết khấu chỉ 5% đối với các chuỗi phân phối (nay là các sàn thương mại điện tử). Nhờ đó, giá sách tại đây thường được giữ nguyên giá gốc và không chênh quá nhiều dù mua trực tuyến hay qua các hiệu sách.

Theo số liệu thống kê từ Centre National du Livre, Pháp đang là nước giữ kỷ lục về số hiệu sách được thành lập so với Anh (1.000 cửa hàng), Mỹ (2.500 cửa hàng). Nguyên bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp, Roselyne Bachelot từng tuyên bố rằng: "Sách là ngành kinh doanh thiết yếu".

Gã khổng lồ Big Tech đang nuốt thị phần của các nhà xuất bản

Một số nhà xuất bản với sự đại diện của Hiệp hội Nhà xuất bản Mỹ đã đệ đơn kiện Google về hành vi “sao chép hàng loạt và có hệ thống toàn bộ sách được bảo vệ bản quyền”.

Nhà đầu cơ huyền thoại trong cuộc chiến của Napoléon

Không gì chứng tỏ Ricardo là một nhà đầu cơ huyền thoại hơn hành động của ông ngay trước và sau trận Waterloo vào tháng 6/1815.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm