Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà đầu cơ huyền thoại trong cuộc chiến của Napoléon

Không gì chứng tỏ Ricardo là một nhà đầu cơ huyền thoại hơn hành động của ông ngay trước và sau trận Waterloo vào tháng 6/1815.

Ricardo sinh ra ở London vào năm 1772 và bỏ học ở tuổi 14 để làm việc cho cha ông, một nhà môi giới chứng khoán thành công. Tuy nhiên, bảy năm sau, ông trốn đi với con gái của một tín đồ Giáo Hữu Hội (Quaker) và trở thành một người theo thuyết Nhất vị luận.

Việc này khiến ông phải xa cha mẹ và buộc phải tự kinh doanh chứng khoán để kiếm sống - ông đóng vai trò của cả nhà tạo lập thị trường và nhà giao dịch trên sàn (sự phân chia giữa nhà giao dịch trên sàn với nhà môi giới tồn tại ở Anh cho đến tận sự kiện Big Bang năm 1986). Dù các nhà buôn chứng khoán được phép mua và bán trong một phạm vi rộng nhiều cổ phiếu và trái phiếu, nhưng Ricardo chỉ chủ yếu giao dịch nợ chính phủ (hay còn gọi là “công trái hợp nhất”).

Mặc dù Ricardo chủ yếu được biết đến qua các hoạt động buôn chứng khoán, nhưng ông cũng được tôn trọng đủ để trở thành một nhà thầu cho vay, dẫn dắt các tập đoàn khác nhau chào giá mua nợ chính phủ. […]

Góp gió thành bão - cho một phong cách sống xa hoa

Mặc dù Ricardo chưa bao giờ tiết lộ chính xác số tiền mà ông đã kiếm được, nhưng có bằng chứng cho thấy các hoạt động giao dịch của ông mang lại một dạng lợi nhuận. Trong khi các khoản tiền thu được tương đối nhỏ (thường nhiều nhất là vài trăm bảng), thì sự ổn định và thường xuyên của chúng cho phép ông tích lũy được một lượng vốn kinh doanh lớn.

Tại thời điểm ông rời bỏ cha mình vào năm 1793, ông chỉ có 800 bảng Anh, phần vốn còn lại của ông được tài trợ bằng một khoản vay từ các ngân hàng đồng cảm. Tuy nhiên, năm 1801, ông đã thành công trong việc giao dịch công trái trị giá hơn 1 triệu bảng Anh chỉ nội trong một năm (tương đương với 69 triệu bảng tính theo thời giá năm 2015).

Thành công này cho phép ông có một phong cách sống ngày càng xa hoa. Khi kết hôn vào năm 1793, ông sống trong một ngôi nhà nhỏ ở Kennington, sau đó là ở một khu ngoại ô bán nông thôn của London, với giá thuê hàng năm là 18 bảng (1.904 bảng Anh hiện nay).

Nha dau tu vi dai anh 1

Chân dung David Ricardo. Nguồn: britannica.

Đến năm 1812, ông trả 450 bảng Anh (27.000 đôla hiện nay) hàng năm cho một biệt thự lớn ở quảng trường Grosvenor dành cho giới thượng lưu (khu vực của Đại sứ quán Mỹ). Năm 1814, ông mua Gatcombe Park, một điền trang ở Gloucestershire với giá 60.000 bảng Anh (tương đương 3,79 triệu bảng Anh thời nay). Ricardo và gia đình mình thường tụ tập và tổ chức những bữa tiệc sang chảnh tại Gatcombe.

Sau khi giã từ giới tài chính, Ricardo đã có thể mua một ghế trong Quốc hội để đổi lại khoản vay 25.000 bảng Anh (1,7 triệu bảng Anh hiện nay), và nhậm chức vào đầu năm 1819. Đến khi qua đời vào năm 1823, tài sản của ông ước tính có giá trị hơn 700.000 bảng Anh (57,2 triệu đôla ngày nay). Tuy nhiên, vì con số này không bao gồm giá trị gia tăng bất động sản của ông, nên giá trị thực có lẽ còn cao hơn nữa.

Trận Waterloo của Ricardo

Không gì chứng tỏ Ricardo là một nhà đầu cơ huyền thoại hơn hành động của ông ngay trước và sau trận Waterloo vào tháng 6/1815. Mặc dù có một vài phiên bản về những chuyện đã xảy ra, câu chuyện nổi tiếng nhất đến từ nhà kinh tế học Paul Samuelson, người đã viết rất nhiều về các lý thuyết kinh tế của Ricardo.

Trong một bài báo trên tạp chí được viết ngay trước khi qua đời, Samuelson quả quyết rằng Ricardo đã thuê một trợ lý để theo dõi trận đánh và nhanh chóng chuyển tin tức về cho ông. Nhờ thế mà ông biết về kết quả cuộc chiến trước mọi người.

Trong khi hầu hết mọi người lợi dụng tình hình để mua thêm trái phiếu, Samuelson đã khẳng định rằng Ricardo thậm chí còn chọn một chiến lược ma mãnh hơn. “Trên chiếc ghế quen thuộc của mình tại Sở Giao dịch, ông đã liên tục bán lại các sản phẩm tài chính của Kho bạc Anh mà mình sở hữu.

Các nhà giao dịch khác nhìn thấy điều này, và nghi ngờ rằng ông biết được câu chuyện thực sự nên họ liền tham gia vào việc bán ra. Rồi đột nhiên, Ricardo đảo ngược tiến trình và tích cực mua vào”. Kết quả của những giao dịch này là “cuộc đảo chính lớn nhất từ trước đến giờ của ông”, “cho phép Ricardo nghỉ hưu, rời khỏi việc giao dịch chủ động và trở thành một nhà đầu tư thụ động sống bằng lợi tức trong suốt quãng đời còn lại của mình”.

Những ai ưa thích các câu chuyện về sự ma mãnh tài chính sẽ thích thú thưởng thức sự lạnh lùng của cú lừa phỉnh hoành tráng này (mặc dù hành vi như vậy bây giờ sẽ được coi là thao túng thị trường bất hợp pháp). Tuy nhiên, các nhà sử học đã không thể tìm thấy bằng chứng trực tiếp là ông có thông tin về kết quả trước mọi người hoặc đã lan truyền tin đồn về thất bại của nước Anh. Ricardo cũng đã hạ thấp số tiền mình kiếm được.

Thật vậy, trong bức thư gửi cho John Stuart Mill (một nhà tư tưởng kinh tế và chính trị nổi tiếng khác), ông đã nói rằng dù đang giàu có thì: “Tôi không phải dạng ‘Trời ơi, mình thật là giàu!’”.

Tuy thế, không nghi ngờ nữa, ông đã kiếm được rất nhiều tiền trong thời kỳ này. Việc Napoléon đào tẩu khỏi Elba và đắc thắng trở lại vào tháng 3/1815, ba tháng trước trận Waterloo, đã khiến người ta ngày càng sợ hãi sẽ có một cuộc xung đột kéo dài khác, hoặc thậm chí là một cuộc xâm lược nước Anh. Điều này đẩy giá công trái xuống mức thấp (có lẽ đã được hỗ trợ bởi một vụ xả hàng khôn ngoan của Ricardo ngay trước cuộc đấu giá).

Ricardo không chỉ mang về cho tập đoàn của mình vụ chào mua thành công khoản nợ chính phủ trị giá 36 triệu bảng Anh, mà cá nhân ông còn đầu tư một phần lớn tài sản của mình vào thương vụ. Trong khi người bạn Malthus của ông, là người cũng đã góp vốn, cứ khăng khăng đòi tiền mặt ngay lập tức để có được một khoản lợi nhuận nhỏ, Ricardo vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần của mình.

Quả thật, Ricardo dường như đã lợi dụng một sự giảm giá nhẹ tạm thời, sau khi các tin đồn phủ nhận sự thất bại của quân Anh bắt đầu lan truyền trong những ngày sau khi có các báo cáo ban đầu, để tích lũy nhiều hơn.

Kết quả là, hai tuần sau khi trận chiến kết thúc, Ricardo nói rằng ông đã giảm giá trị tài sản đầu tư vào trái phiếu của chính phủ Anh, và đã là “người thắng cuộc đáng kể với một khoản vay lớn”.

Nhiều tháng sau, Ricardo xác nhận rằng bây giờ mình đã “đủ giàu để thỏa mãn tất cả ham muốn của bản thân, và những ham muốn hợp lý của tất cả những người xung quanh mình”. Nhìn chung, cáo phó của Ricardo trên tờ The Sunday Times khẳng định rằng ông đã kiếm được 1 triệu bảng từ đầu cơ trái phiếu chính phủ trong suốt thời gian này (tương đương với 66,2 triệu đôla ngày nay).

Matthew Partridge / NXB Trẻ

SÁCH HAY