Kể từ năm 2004, Google đã quét hơn 20 triệu cuốn sách như một phần của cơ sở dữ liệu điện tử, chẳng hạn như những tập sách này tại Cơ sở Giá đỡ Buhr của Đại học Michigan. Nguồn: npr. |
Trên thực tế, Google, Facebook và những tay chơi lớn khác trong mảng nền tảng là những bên hưởng lợi chính từ Đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số (Digital Millennium Copyright Act - DMCA). Được Bill Clinton ký vào năm 1998, đạo luật này bảo vệ các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến khỏi nguy cơ bị truy tố trách nhiệm vì vi phạm bản quyền, nếu nhà cung cấp không biết gì về hành vi vi phạm. Không có gì ngạc nhiên khi DMCA được ủng hộ bởi nhiều chính trị gia và người theo chủ nghĩa tự do tại California mà các nhóm lợi ích ở Thung lũng Silicon đang âm thầm tài trợ.
Về cơ bản, DMCA cho phép các nền tảng “bắt nạt” những người sáng tạo nội dung (thật ra là bất kỳ ai đưa nội dung lên mạng), buộc họ phải từ bỏ những sản phẩm của mình một cách miễn phí nếu muốn người khác có thể tìm thấy chúng trên các nền tảng lớn nhất, đồng thời chấp nhận thực tế rằng các nền tảng sẽ là những bên hưởng lợi chính từ nội dung của họ về mặt tiền bạc theo cấp số nhân.
Suy cho cùng, giống như không một nhà phát minh nhỏ nào có bằng sáng chế có thể đấu lại Big Tech, một nhà văn hay nhạc sĩ cũng không thể tự mình tiến hành một cuộc chiến pháp lý để cố gắng thu tiền bản quyền từ những ông lớn như Facebook hay Google.
Thậm chí, họ cũng khó có thể hiểu các công ty này đã kiếm được bao nhiêu tiền khi liên kết các nội dung và dẫn dắt các đơn vị quảng cáo đến nội dung đó như một phần trong mô hình kinh doanh mạng xã hội và tìm kiếm của họ.
Ví dụ, hãy xem xét cuộc chiến kéo dài hàng chục năm giữa Google với vô số tác giả và nhà xuất bản về dự án Google Print - sau này được đổi tên thành Google Books. Việc sao chụp (scan) từng trang của từng quyển sách trên thế giới từ lâu đã là nỗi ám ảnh của Page và Brin - xét cho cùng, đó là một tham vọng điển hình tầm cỡ Google. Hai nhà sáng lập này biết rằng phần lớn sách trên thế giới đều được bảo vệ bản quyền trước việc sao chép và phân phối trái phép.
Nhưng giống như thường lệ, các thành viên Google cảm thấy những quy tắc phiền phức như vậy không áp dụng với họ. Thêm vào đó, họ cũng không thể hiểu tại sao lại có người nghĩ rằng việc các tác giả kiếm tiền từ sách lại tốt hơn là toàn thế giới có thể truy cập thông tin miễn phí.
Với những lý do như vậy, vào năm 2002, họ bí mật bắt đầu dự án scan sách. Trong quyển In the Plex, nhà báo công nghệ Steven Levy đã dành hẳn 20 trang để nói về dự án này: “Sự bí mật là một biểu hiện khác của sự nghịch lý trong một công ty lúc thì tin vào sự minh bạch lúc lại hành động chẳng khác gì Cơ quan An ninh Quốc gia”. Đến thời điểm đó, Schmidt vốn đã xác định “cái xấu là những gì Sergey nói là xấu” và hoàn toàn ủng hộ dự án mà ông tuyên bố là “tuyệt vời” đó.
Nhưng ngành xuất bản không đồng tình với Schmidt. Năm 2005, một số nhà xuất bản với sự đại diện của Hiệp hội Nhà xuất bản Mỹ đã đệ đơn kiện Google về hành vi “sao chép hàng loạt và có hệ thống toàn bộ sách được bảo vệ bản quyền”.
Không lâu sau đó, Hiệp hội Tác giả cũng đâm đơn kiện, và hai vụ kiện được gộp lại thành một. Cũng dễ hiểu khi các nhà xuất bản và các tác giả muốn tác phẩm của họ vẫn được bảo vệ bản quyền và họ được quyền chọn tham gia hoặc không tham gia dự án sách của Google.
Nhưng trưởng ban kinh tế Hal Varian của Google lý luận rằng điều đó sẽ hủy hoại toàn bộ dự án vốn phụ thuộc vào số đầu sách được scan. Khoảng 75% số sách mà Google nhắm đến vẫn còn hiệu lực bản quyền, và Varian cũng như các thành viên khác của Google biết rằng nhiều - thậm chí là hầu hết - tác giả có thể sẽ không muốn tham gia.
Sau cùng, hai bên quyết định dàn xếp: Google cam kết chỉ hiển thị một số đoạn trích trong những quyển sách có bản quyền, đổi lại họ sẽ trở thành đơn vị phân phối độc quyền phiên bản kỹ thuật số của những đầu sách đã ngừng ấn hành.
Google - thời điểm đó đang kiếm được khoảng 10 tỷ đôla doanh thu hàng năm - chỉ phải trả 125 triệu đôla để lập một tổ chức đăng ký quyền sở hữu sách cũng như để thuê luật sư tổ chức hệ thống và thu xếp các khoản thanh toán. Đây thật sự là một “cuộc xoay chuyển ngoạn mục” của Big Tech.
Brewster Kahle, người đứng đầu Internet Archive - tổ chức phi lợi nhuận từng muốn thực hiện dự án scan sách của riêng họ - đã nhận định (chính xác) rằng Google đã trở thành một nhà độc quyền thông tin. Ngay cả chuyên gia luật kỹ thuật số Lawrence Lessig vốn ủng hộ nhiều chính sách mà các nền tảng công nghệ thúc đẩy cũng nói rằng thỏa thuận của Google đã biến họ thành “một hiệu sách kỹ thuật số, không phải thư viện kỹ thuật số”.
Ý của Lessig là dù Google luôn lập luận rằng toàn bộ dự án được thực hiện vì lợi ích của người dùng, nhưng cuối cùng chính Google mới là bên được hưởng lợi nhiều nhất. Nhiều nội dung hơn đồng nghĩa với nhiều cơ hội bán quảng cáo hơn.
Vậy tại sao các tác giả và nhà xuất bản lại đồng ý với sự dàn xếp này? Vì họ không biết còn cách nào tốt hơn. Tương tự tình thế của những người buộc phải chấp nhận các khoản thế chấp dưới chuẩn từ các ngân hàng lớn, trong thỏa thuận giữa các nhà xuất bản với Google cũng có một sự bất cân xứng khổng lồ về mặt thông tin, khi mà gã trùm công nghệ này đang nắm giữ khá nhiều thông tin mật quan trọng về việc dữ liệu số thu được từ hoạt động tìm kiếm nội dung sách có thể mang về khoản lợi nhuận lớn đến thế nào.
Google hiểu rõ thế giới kỹ thuật số mới mà thực tế là đang được chính họ tạo ra và thống trị. Các nhà xuất bản thì không, và họ không thể làm gì khác hơn ngoài việc nhanh chóng ngăn chặn gã khổng lồ Big Tech nuốt mất thị phần của họ.