Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phản ứng trái ngược của dân Trung Quốc với vận động viên sinh ra ở Mỹ

Từng được coi là đại sứ văn hóa giúp xây dựng cầu nối giữa hai nước, nhiều vận động viên giờ đây phải chịu đựng cái nhìn khắt khe từ dư luận Trung Quốc giữa lúc căng thẳng với Mỹ.

van dong vien nhap tich Trung Quoc anh 1

Chỉ trong một tuần, ba vận động viên sinh ra ở Mỹ gốc Trung Quốc hoặc thi đấu cho đội tuyển Trung Quốc, đã trở thành tâm điểm chú ý tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Cả ba đều được đào tạo ở Mỹ và chỉ cách nhau vài tuổi, nhưng con đường của họ đến Thế vận hội không giống nhau. Vận động viên trượt tuyết Eileen Gu (Cốc Ái Lăng) và vận động viên trượt băng nghệ thuật Zhu Yi chọn thi đấu cho Trung Quốc. Trong khi đó, Nathan Chen, một vận động viên trượt băng khác, đã chọn đoàn thể thao Mỹ.

Gu và Chen đều giành huy chương vàng, trong khi Zhu thất bại trên sân băng trong hai buổi thi đấu liên tiếp. Phản ứng của công chúng mà họ nhận được ở quốc gia đăng cai Olympic cũng thay đổi theo chiều hướng khác nhau.

Gu được ca ngợi như một anh hùng dân tộc, chinh phục trái tim của khán giả, trong khi Zhu bị buộc tội là mang lại "sự xấu hổ" cho đất nước đã nhận cô. Thậm chí, vận động viên Chen còn bị gán là "kẻ phản bội" vì "xúc phạm Trung Quốc".

Theo CNN, các vận động viên trẻ đã bị kéo vào “vòng xoáy" khi mối quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi, tại một trong những Thế vận hội Olympic đầy rẫy vấn đề chính trị và được kiểm soát chặt chẽ nhất trong lịch sử.

van dong vien nhap tich Trung Quoc anh 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với các vận động viên và huấn luyện viên khi đến thăm Nhà thi đấu Thủ đô ở Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã.

"Niềm tự hào của Trung Quốc"

Khi vận động viên Gu, sinh ra ở California và hiện thi đấu cho Trung Quốc, giành huy chương vàng, các nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất nước này gần như tê liệt bởi hàng chục triệu người đổ xô vào ăn mừng chiến thắng trên mạng.

Gu được nhiều người ca ngợi là "niềm tự hào của Trung Quốc" - và là biểu tượng cho chiến thắng được công nhận trước Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ, những người tài của Trung Quốc đã đổ xô đến Mỹ để theo đuổi “giấc mơ”. Và bây giờ, một tài năng từng đoạt huy chương Olympic, sinh ra và được đào tạo ở Mỹ, lại chọn đại diện cho Trung Quốc. Đối với một số người, đó là một lời khẳng định vang dội về sức mạnh đang lên của Bắc Kinh.

Không khó để hiểu tại sao vận động viên Gu ngay lập tức được coi là “con cưng” quốc dân.

Ở tuổi 18, cô đã là vận động viên trượt tuyết vô địch thế giới, sinh viên hạng A của Stanford và là người mẫu thời trang đại diện cho các thương hiệu như Louis Vuitton và Tiffany & Co.

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở California, cô nói thông thạo tiếng Quan Thoại, khiến nhiều người Trung Quốc càng ngạc nhiên và yêu quý.

Tuy nhiên, dù chiến thắng Olympic giúp Gu nâng cao danh tiếng, nó cũng là “con dao hai lưỡi", dẫn đến ánh mắt “giám sát" của công chúng đổ dồn về phía cô.

van dong vien nhap tich Trung Quoc anh 3

Vận động viên Gu được ca ngợi như một anh hùng dân tộc khi mang về huy chương vàng cho đoàn Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong lễ trao huy chương hôm 8/2, Gu được phát hiện không hát quốc ca Trung Quốc khi lá cờ được kéo lên. Cô ngay lập tức bị chỉ trích, mặc dù có nhiều người nhanh chóng lên tiếng bênh vực.

"Không quan trọng việc cô ấy hát quốc ca hay không. Điều quan trọng là quốc ca được phát ra và quốc kỳ được kéo lên vì cô ấy", theo một bình luận trên Weibo.

Việc sử dụng mạng xã hội của Gu cũng là vấn đề khi cô trả lời một bình luận trên tài khoản Instagram của mình.

"Tại sao bạn có thể sử dụng Instagram trong khi hàng triệu người Trung Quốc từ đại lục lại không thể?", một tài khoản chất vấn.

Không đủ "chất" Trung Quốc

So với sự cuồng nhiệt dành cho Gu, phản ứng của công chúng đối với vận động viên Zhu khắc nghiệt hơn nhiều.

Theo hồ sơ trên trang web của Ủy ban Olympic Quốc tế, Zhu đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để thi đấu cho Trung Quốc. Thế nhưng, cô liên tục bị chỉ trích vì không đủ "chất" Trung Quốc.

Khi Zhu lần đầu tiên thi đấu ở Trung Quốc vào năm 2018, cô chưa bao giờ đủ tự tin để nói tiếng Trung trước ống kính. Các cuộc phỏng vấn ban đầu của cô với đài truyền hình CCTV được thực hiện bằng tiếng Anh.

Trong khi sự thông thạo tiếng Trung của Gu được ca ngợi, thì việc Zhu không thể nói trôi chảy khiến nhiều người nước này phật lòng.

Một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh nhận định nếu một người có vẻ ngoài giống người Trung Quốc nhưng lại không thể nói được, điều đó sẽ tạo cảm giác rằng họ mất “kết nối” với văn hóa của mình.

"Xin hãy để cô ấy học tiếng Trung trước khi cô ấy nói về lòng yêu nước", một người dùng Weibo bình luận.

van dong vien nhap tich Trung Quoc anh 4

Vận động viên trượt băng nghệ thuật Zhu Yi bị dư luận Trung Quốc chỉ trích. Ảnh: Reuters.

Và không giống như Gu, người thúc đẩy thành tích của Bắc Kinh trong một môn thể thao mà nước này vốn thiếu vận động viên tài năng, Zhu phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các vận động viên trượt băng gốc Trung Quốc.

Khi được chọn để đại diện cho Trung Quốc tại Thế vận hội, một số cáo buộc cô đã giành lấy vị trí từ đồng đội Chen Hongyi, người có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn và được công chúng Trung Quốc yêu thích hơn.

Khi Zhu ngã sõng soài trên sân băng và kết thúc phần thi với số điểm thấp nhất, cô đã trở thành "cái bia" cho cư dân mạng chỉ trích.

Một số người gọi cô là "nỗi ô nhục", những người khác buộc tội cô là "kẻ đã mang sự xấu hổ" cho Trung Quốc, và bảo cô "hãy quay trở lại Mỹ".

"Xúc phạm Trung Quốc"

Thế nhưng, đối với những vận động viên giành huy chương vàng, họ cũng có thể bị công kích bởi chính chiến thắng của mình.

Đối với vận động viên Chen, người đã giúp Mỹ về nhất ở môn trượt băng nghệ thuật nam hôm 10/2, sự tôn thờ và khen ngợi từ phía công chúng Mỹ trái ngược hoàn toàn với những gì diễn ra trên Weibo (mạng xã hội Trung Quốc).

Giống như Zhu, vận động viên này cũng bị buộc tội hành động "quá Mỹ". Tại một cuộc họp báo sau chiến thắng, anh đã từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên địa phương bằng tiếng Trung Quốc, khẳng định tiếng phổ thông của anh ấy "không tốt lắm".

Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, phát ngôn này đã khiến anh bị “tấn công”. Chen bị gọi là "kẻ phản bội" và bị buộc tội "xúc phạm Trung Quốc".

van dong vien nhap tich Trung Quoc anh 5

Vận động viên Nathan Chen, người đã giúp Mỹ về nhất ở môn trượt băng nghệ thuật nam. Ảnh: AP.

Âm nhạc anh sử dụng trong bài thi tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 cũng là một điều khó chịu đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Chen đã trượt theo một bài hát trong bộ phim "Mao's Last Dancer". Đây một bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về vũ công người Trung Quốc đào tẩu sang Mỹ vào những năm 1980.

Tại một cuộc họp báo, Chen cho biết âm nhạc đã được biên đạo múa của anh lựa chọn. "Tôi không hiểu toàn bộ câu chuyện đằng sau nó, tôi chỉ biết bài hát rất hay", anh nói.

Trên Weibo, một số người đã chúc mừng Chen và khen ngợi màn trình diễn xuất sắc của anh. Nhưng những bình luận ấy đều bị “lấn át" bởi làn sóng chỉ trích, ghét bỏ. Một số tài khoản còn yêu cầu anh "rời khỏi Trung Quốc".

Trước điều này, Chen chia sẻ: "Tôi không có mạng xã hội ở đây (Weibo). Vì vậy, có lẽ tôi đã được ‘bảo vệ' nhiều từ điều đó. Và tôi không có dự định đọc bình luận trên mạng xã hội vì đôi khi chúng có thể là một thứ gì đó độc hại".

Dân mạng Trung Quốc chỉ trích nhà vô địch người Mỹ gốc Hoa

Mạng xã hội Trung Quốc đã có phản ứng trái chiều khi Nathan Chen của đội Mỹ giành chiến thắng trước Yuzuru Hanyu của Nhật Bản trong môn trượt băng nghệ thuật tại Olympic Bắc Kinh.

5 VĐV trượt tuyết bị loại khỏi Olympic Bắc Kinh vì bộ áo liền quần

Năm vận động viên nữ bị truất quyền thi đấu tại trận chung kết môn trượt tuyết nhảy xa đồng đội ở Olympic sau khi các quan chức cho rằng trang phục của họ không tuân thủ quy tắc.

Minh An

Bạn có thể quan tâm