Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phản ứng trái chiều về thỏa thuận giữa P5+1 và Iran

Cộng đồng quốc tế đã có phản ứng khác nhau đối với thỏa thuận khung mang tính lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1, gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức, vừa đạt được ngày 2/4.

Các đại diện P5+1 và Iran sau khi kết thúc đàm phán. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các đại diện P5+1 và Iran sau khi kết thúc đàm phán. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng thỏa thuận vừa đạt được về chương trình hạt nhân của Iran chắc chắn sẽ tác động tích cực tới tình hình an ninh chung ở Trung Đông.

Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Chắc chắn các thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran sẽ ảnh hưởng tích cực tới tình hình an ninh chung ở Trung Đông do thực tế là Iran sẽ có thể tham gia tích cực hơn vào giải pháp cho các vấn đề cũng như các cuộc xung đột trong khu vực."

Thổ Nhĩ Kỳ cũng hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Iran và các cường quốc trên thế giới, đồng thời bày tỏ hy vọng chính quyền Tehran sẽ có những bước đi cụ thể nhằm tiến tới thỏa thuận toàn diện vào tháng 7 tới.

Phát biểu với báo giới ở thủ đô Vilnius của Litva ngày 3/4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bày tỏ hài lòng vì các bên đã đạt thỏa thuận khung nhưng cảnh báo Iran còn phải làm nhiều việc để đạt thỏa thuận cuối cùng trước ngày 30/6 tới.

Ông Cavusoglu cho biết về nguyên tắc, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào ở Iran, Israel hoặc một nước nào khác.

Trong cuộc điện đàm ngày 2/4 với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Quốc vương Saudi Arabia cũng bày tỏ hy vọng một thỏa thuận cuối cùng giữa P5+1 và Iran sẽ sớm đạt được, góp phần củng cố an ninh khu vực và toàn cầu.

Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Israel, Mark Regev lại chỉ trích thỏa thuận vừa đạt được tại Lausanne là "một bước đi theo chiều hướng rất nguy hiểm", đồng thời cáo buộc "mục đích duy nhất của Iran là sản xuất bom hạt nhân."

Ông Regev cho rằng thỏa thuận này mang lại cho Iran cơ sở để sản xuất bom hạt nhân, không đóng cửa được cơ sở hạt nhân duy nhất của nước này và để lại cho Tehran hàng nghìn lò ly tâm để tiếp tục làm giàu urani.

Thỏa thuận cũng cho phép Iran tiến hành nghiên cứu và phát triển để xây dựng những lò phản ứng mới tốt hơn.

Từ Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết vấn đề gai góc là khi nào dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran "vẫn chưa được giải quyết".

Iran muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ngay lập tức nhưng phương Tây chỉ nới lỏng khi Tehran tôn trọng những điều đã nhất trí. Ông cảnh báo nếu Tehran không tuân thủ những cam kết, phương Tây sẽ quay trở lại lập trường trước đây.

Trong khi đó, tại Iran, một đám đông những người ủng hộ chương trình hạt nhân của nước này tung hô chào đón Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và nhóm của ông khi họ từ Lausanne về nước.

Trong cuộc họp báo nhanh ngay tại sân bay, ông Zarif ca ngợi lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei vì sự ủng hộ mạnh mẽ và sự chỉ đạo kịp thời của ông đối với đoàn đàm phán.

Tuy nhiên, những người theo đường lối cứng rắn cho rằng thỏa thuận nói trên là "một sự nhượng bộ" đối với phương Tây và là một "thảm họa" đối với Iran.

Sau 8 ngày thương lượng liên tục, ngày 2/4, P5+1 và Iran đã nhất trí về các nội dung và định hướng lớn, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trong ba tháng còn lại, với thời hạn chót là ngày 30/6.

Các cường quốc đạt thỏa thuận hạn chế hạt nhân với Iran

Sau 18 tháng đàm phán, ngày 2/4, Iran cùng Mỹ và 5 cường quốc trên thế giới đã công bố một thỏa thuận khung về tương lai của chương trình hạt nhân Iran.

 

http://www.vietnamplus.vn/phan-ung-trai-chieu-cua-the-gioi-ve-thoa-thuan-giua-p51-va-iran/315792.vnp

Theo Vietnamplus

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm