Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn có sách bán chạy số một Việt Nam - là một trong những tác giả có số lượng sách bị làm lậu nhiều nhất. Theo ông Lê Hoàng Thạch - CEO Voiz FM - từ tháng 7/2020, đơn vị của ông đã làm việc để gỡ 50.000 bản sách vi phạm bản quyền, trong đó phần nhiều là sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Không riêng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhiều tác giả Việt chung nỗi bức xúc khi đứa con tinh thần của mình bị chia sẻ ngang nhiên trên mạng.
Một trang cho tải ebook không bản quyền. |
Sách lậu hủy hoại những điều tốt đẹp mà nhà văn muốn mang lại
Chưa bao giờ, đọc sách lậu lại dễ dàng đến thế. Chỉ mất vài cú bấm chuột, độc giả dễ dàng tìm được một file sách trên mạng. Chỉ mất vài chục nghìn, độc giả được tiếp cận kho ebook, sách nói đa dạng, cập nhật thường xuyên cả những đầu sách mới nhất.
Nhà văn Di Li thẳng thắn gọi việc đọc sách lậu là tiêu thụ đồ ăn cắp và cho rằng khó có thể kiểm soát được vấn đề này trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Nhà văn Kim Tam Long đồng tình với ý kiến này và chia sẻ thêm quan điểm ngành xuất bản nên đầu tư mạnh hơn vào nền tảng số thì độc giả sẽ sẵn sàng chọn sách số bản quyền.
Nhà văn Di Li bày tỏ nỗi chán ngán vì cho rằng “nói mãi mà chưa thấy giải quyết được”. Di Li cho biết ở thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, sách dễ dàng bị phát tán lậu, gây ảnh hưởng tới không chỉ doanh thu mà cả tinh thần của người cầm bút.
Trả lời câu hỏi của Zing, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết ông có biết tới tình trạng này. Ông cũng bức xúc nhưng dường như cảm thấy đã nói quá nhiều về vấn đề này nhưng tình trạng vẫn không khá lên.
Trước đó, khi trả lời báo chí năm 2020, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng lên tiếng mạnh mẽ về nạn sách giả. Ông nói nhà văn chỉ biết viết sách chứ không có công cụ để chống sách lậu. Vậy nên, muốn dẹp được sách lậu, cần có bàn tay của luật pháp, cụ thể là điều chỉnh tội danh và khung hình phạt đối với các đơn vị làm sách giả, sách lậu sao cho đủ tính răn đe. Ông gọi nạn sách lậu là “một căn bệnh mạn tính” hủy hoại nỗ lực của các nhà văn hóa một cách công khai.
Nhà văn Di Li cũng khẳng định chỉ các cơ quan chức năng mới đủ quyền lực để ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền. “Có chế tài hạn chế để không tiếp cận được nguồn trái phép miễn phí nữa thì độc giả mới chuyển sang bên bản quyền thu phí”, bà nói.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và cây bút Nguyễn Đình Tú cùng cho rằng việc bảo vệ bản quyền là nhiệm vụ của nhà xuất bản và nhà chức trách, nhà văn không thực sự làm được gì mà chỉ muốn chuyên tâm viết.
Nguyễn Nhật Ánh là một trong những tác giả có số lượng sách bị làm lậu nhiều. Ảnh: Phùng Hà. |
Nên đầu tư hơn vào ebook bản quyền
Trao đổi với Zing, nhà văn Kim Tam Long cho biết ebook lậu bây giờ tràn lan, ông phải thường xuyên liên hệ yêu cầu gỡ xuống. Chia sẻ về vấn đề này, Kim Tam Long nói: “Vui buồn lẫn lộn. Nhưng buồn nhiều hơn vui. Vui một chút vì thấy mọi người quan tâm đến sách của mình nên cất công đánh máy lại nội dung. Buồn vì vấn đề bản quyền chưa được trân trọng, ảnh hưởng đến chất lượng nội dung nếu họ đánh lại nội dung bị sai lệch, sai chính tả và ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sách giấy của đơn vị phát hành”.
Ông cũng đồng tình với các nhà văn khác, cho rằng các cơ quan chức năng phải có giải pháp triệt để hơn. Ngoài ra, tác giả Kim Tam Long nghĩ rằng trong thời đại mới, khi mà iPad, điện thoại, máy đọc sách thu hút được nhiều người quan tâm, thì các tác giả và đơn vị phát hành cũng nên đầu tư vào nền tảng số, chủ động số hóa tác phẩm của mình. Sách điện tử bản quyền được thiết kế tiện lợi, dễ tiếp cận thì đông đảo độc giả sẽ chọn đọc.
Kim Tam Long chia sẻ quan điểm: “Sách điện tử là xu hướng phát triển của thời đại”. Tác giả Ẩn ức trắng cho rằng có cầu thì phải có cung, giới xuất bản cần chủ động trong quá trình số hóa. Ông cho rằng nếu ebook bản quyền được làm chỉn chu, định mức giá phù hợp, kết hợp với cơ quan chức năng giải quyết ebook lậu thì cộng đồng đọc sách số sẽ dần ủng hộ ebook bản quyền.
“Tôi nghĩ là người đọc, họ luôn trân trọng các tác phẩm có bản quyền hơn, vì khâu biên tập tốt, nội dung được đảm bảo kiểm duyệt nên giúp người đọc có những trải nghiệm tốt hơn; trong khi ebook lậu thì được gõ lại cẩu thả về câu chữ, có trường hợp còn để sót nội dung”, nhà văn nhận định.
Hiện nay, ebook lậu, sách nói lậu được làm và chia sẻ một cách không kiểm soát, gây thiệt hại cho nhà văn cũng như đơn vị xuất bản, đơn vị làm sách bản quyền. Mặc dù đã có những bước tiến nhất định trong ngành xuất bản số, tình trạng sách bị làm lậu vẫn chưa ngăn chặn được dứt điểm.
Theo nhà văn Di Li, sách lậu gây ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của đơn vị phát hành. Khi nhà xuất bản không bán được sách, họ sẽ kém hào hứng trong chuyện ký kết phát hành với tác giả, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới nghiệp viết của nhà văn.
Vì vậy, đi song song với phát triển ngành xuất bản số, người trong ngành và các cơ quan chức năng vẫn cần tìm cách ngăn chặn sách lậu phát tán tràn lan. Và dù quá trình dẹp sách lậu không thể xảy ra một sớm một chiều, người làm sách vẫn cần kiên trì mỗi ngày, để giữ cho môi trường và văn hóa đọc được văn minh.